Huy động nguồn lực trí thức kiều bào

Tại cuộc gặp mặt, thông tin báo chí về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, kết quả công tác năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024, giới thiệu về chương trình Xuân Quê hương 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, trong tổng số gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, khoảng 10% có trình độ đại học trở lên, tương đương 600 nghìn người. Trong hầu hết ngành mũi nhọn và lĩnh vực khoa học hiện đại, đều có chuyên gia người Việt Nam tham gia nghiên cứu và làm việc.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp.
Các đại biểu dự Hội nghị phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp.

Phát huy khả năng cống hiến

GS, TS Nguyễn Quốc Sỹ là kiều bào từng có nhiều năm học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2003, ông là GS khoa Vật lý đại cương và Tổng hợp hạt nhân tại Trường đại học Năng lượng Moscow của Nga. Với gần 100 công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí quốc tế, ông đã nhận nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng các nhà khoa học trẻ của Tổng thống Nga vào năm 2006.

Năm 2018, khi Trường đại học Năng lượng Moscow quyết định cử cán bộ về Việt Nam thúc đẩy hiệu quả các dự án hợp tác với Việt Nam, GS Nguyễn Quốc Sỹ đã xung phong nhận nhiệm vụ này. Tình yêu quê hương và mong muốn thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ trong nước đã thôi thúc ông trở về. Trong

5 năm qua, GS Nguyễn Quốc Sỹ cùng các cộng sự đã triển khai nghiên cứu thành công được hơn 30 công nghệ, trong đó có nhiều công nghệ có thể sẵn sàng triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Nổi bật là công nghệ khí hóa plasma, vừa xử lý được rác thải, vừa tạo ra điện năng trong quá trình xử lý rác; công nghệ dùng khí ion plasma để khử khuẩn, khử nấm trên bề mặt, giúp bảo quản tốt hơn nông sản, thực phẩm sau thu hoạch.

GS Nguyễn Quốc Sỹ cũng nhìn nhận, phần lớn lực lượng trí thức kiều bào sống, làm việc ở các nước phát triển nên kinh nghiệm, tri thức và khả năng cống hiến của họ cho Việt Nam về mặt chuyên môn rất lớn. Đại bộ phận kiều bào đều hướng về quê hương, đất nước. Để “khai thông” nguồn lực chuyên gia, trí thức kiều bào, ông nhấn mạnh sự cần thiết tạo môi trường làm việc và các điều kiện thuận lợi để phát triển chuyên môn trong nước. “Họ như những “cánh chim” ở khắp mọi miền của nhiều nước, để họ quy tụ về một “tổ”, cái “tổ” đó cần phải là nơi họ có thể phát triển được”, ông nói.

Tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, việc phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước cần được nhìn nhận từ cả hai khía cạnh. Trước hết, cần phát huy mạnh mẽ nội lực, xây dựng nền kinh tế, khoa học-công nghệ của Việt Nam ngày càng năng động, tiệm cận trình độ phát triển của thế giới, từ đó tạo sức hút tự nhiên hấp dẫn các nguồn lực của kiều bào. Khi nền kinh tế, khoa học - công nghệ của đất nước phát triển sẽ mở ra nhiều cơ hội, tạo động lực để kiều bào trở về, trước hết là xây dựng, phát triển sự nghiệp cho bản thân, sau đó là đóng góp xây dựng đất nước.

“Song song với đó, chúng ta cũng cần có những chính sách đặc thù để có thể phát huy nguồn lực to lớn của kiều bào. Để phát huy nguồn lực chất xám của kiều bào, cần tập trung một số giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản pháp luật hiện hành về thu hút chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam”, ông Đông nhấn mạnh. Ông chỉ ra, việc mở rộng phân cấp và tăng tính tự chủ cho các đơn vị trực tiếp có nhu cầu trong việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm chuyên gia, trí thức kiều bào, là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá, với số lượng đông đảo, làm việc ở nhiều nước có trình độ cao về khoa học công nghệ và kinh tế, được đào tạo trong môi trường phát triển, cạnh tranh, thông tin cập nhật, chuyên gia, trí thức kiều bào là vốn quý. “Trong bối cảnh khoa học - công nghệ, trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển và sức mạnh của mỗi quốc gia, việc huy động tốt nguồn lực tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần giúp đất nước phát triển, đặc biệt trên các mặt khoa học - công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, bà Hằng nhận định.