Huy động các nguồn lực bảo đảm cung ứng điện

Trước nguy cơ thiếu điện do các hồ thủy điện cạn kiệt, trong khi phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) vẫn còn vướng mắc, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Bộ Công thương và chỉ đạo “bằng mọi cách bảo đảm cung ứng điện”. Cả ngành điện đang vào cuộc huy động các nguồn lực sẵn có.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà máy điện đang tập trung vận hành sản xuất, bảo đảm cung ứng điện. Ảnh: TRẦN HẢI
Các nhà máy điện đang tập trung vận hành sản xuất, bảo đảm cung ứng điện. Ảnh: TRẦN HẢI

Báo động tình trạng thiếu điện

Báo cáo về tình hình cung ứng điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước đã làm cho các hồ thủy điện ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là hồ thủy điện khu vực miền bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.

Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chỉ đạt 20% so với TBNN, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận định, với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt vào các mùa nắng nóng và tháng 5, 6, 7. Tính đến hết ngày 25/5, sản lượng trung bình ngày lên đến 818 triệu kWh, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong ngày 19/5 tiêu thụ điện lập kỷ lục lên 923 triệu kWh.

Bên cạnh các yếu tố từ thời tiết, việc chuẩn bị nguồn điện cho hè năm nay gặp khó khăn. Một số nhà máy có công suất lớn sửa chữa kéo dài như Vũng Áng 1, một tổ máy của nhà máy Phả Lại, Cẩm Phả…

Với những khó khăn trên, EVN dự báo việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, tháng 6 và tháng 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600-4.900MW.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, dự báo, nhu cầu sẽ cao hơn kế hoạch, khả năng tăng lên 830 triệu kWh/ngày. Miền bắc đang ở mùa nóng cao điểm, miền nam chính thức bước vào mùa mưa, thì phụ tải miền nam sẽ không tăng cao nữa. Hệ thống điện quốc gia những ngày sắp tới ở miền bắc vẫn còn cao, trong khi miền trung và miền nam phụ tải đã bình ổn.

“Hiện nay cả nước có gần 80.000MW công suất lắp đặt, trong khi phụ tải cao nhất là hơn 44.000MW. Nếu bảo đảm các tổ máy không có sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ tốt, tiết kiệm điện tốt thì sẽ vượt qua những khó khăn cung ứng điện”, ông An nhấn mạnh.

Huy động các nguồn lực bảo đảm cung ứng điện ảnh 1

Khắc phục sự cố điện ngày nắng nóng. Ảnh: HOÀNG ANH

Đồng loạt ứng phó thiếu điện

Lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã họp với Bộ Công thương và chỉ đạo bằng mọi cách bảo đảm cung ứng điện. Sau nhiều giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng tình hình đã được cải thiện.

Giải pháp đầu tiên và quan trọng là phải bảo đảm độ tin cậy vận hành của các nhà máy điện. Việc bảo đảm các nhà máy nhiệt điện bao gồm nhà máy tuabin khí vận hành ổn định là ưu tiên số 1.

Giải pháp thứ hai cũng rất quan trọng là Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các tổng công ty phát điện, các tập đoàn có nhà máy điện, doanh nghiệp có nhà máy điện bằng mọi cách lo đủ nhiên liệu cho phát điện. Đầu tiên là vấn đề cung cấp than. Thứ hai là bảo đảm đủ dầu, bao gồm dầu FO và dầu diesel cho phát điện. Khi khí suy giảm thì phải chạy dầu DO để phát điện. Tuy nhiên đây là nguồn điện tương đối đắt tiền.

“Chúng ta có nhà máy mà thiếu nhiên liệu thì không được. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch Thủ tướng chỉ đạo rất kỹ”, ông An chia sẻ. Đến nay EVN đã phải huy động 900 triệu kWh điện chạy dầu, trong bối cảnh tài chính EVN gặp khó khăn thì đó cũng là nỗ lực rất lớn.

Ông An cũng nhấn mạnh “triệt để tiết kiệm điện”, vì đây là giải pháp rất quan trọng. Nếu vẫn đang chạy dầu phát điện mà không tiết kiệm thì rất lãng phí.

Ngoài ra, chúng ta cũng nhập khẩu hơn 11 triệu kWh điện. Cụ thể, nhập khẩu của Lào khoảng 7 triệu kWh/ngày, Trung Quốc 4 triệu kWh/ngày. “Những nguồn này không hẳn là thiếu mới nhập. Chúng ta đã mua điện của Trung Quốc từ năm 2005. Còn nhập khẩu điện từ Lào theo hiệp định liên chính phủ. Chúng ta cũng bán điện sang Campuchia từ rất lâu dựa trên các hiệp định giữa các nước láng giềng với nhau”, lãnh đạo Bộ Công thương lưu ý.

Ngoài ra, một giải pháp rất quan trọng là đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá tạm cho các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Chốt đến ngày 27/5, Công ty mua bán điện thuộc EVN đã hoàn thành đàm phán ký biên bản và ký tắt hợp đồng (PPA) với 40 chủ đầu tư điện gió, mặt trời đề xuất giá tạm. Trong đó, hiện có 19 dự án, hoặc một phần dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt giá tạm và ký PPA; có 16 dự án đã nối lưới, đã và đang thử nghiệm, trong đó có 5 dự án với tổng công suất 303MW đã hoàn thành thử nghiệm, đang thực hiện các thủ tục để phát điện thương mại.

Như vậy, trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa có giá, có 53 dự án đã nộp hồ sơ đàm phán, nhưng có 40 dự án đồng ý áp giá tạm bằng 50% khung giá trần, 13 dự án đợi đàm phán giá chính thức theo khung giá trần và 32 dự án chưa nộp hồ sơ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng An bày tỏ, sản lượng điện gió, mặt trời hiện nay mỗi ngày 100 triệu kWh, chiếm 1/9 sản lượng toàn hệ thống, là sản lượng tương đối lớn. Song, do tính bất định theo thời tiết, cần tính toán các giải pháp kỹ thuật khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ… nếu sản lượng tiếp tục tăng lên.