Hương sắc hồn quê

Cuối năm nay, để mừng Mỹ An đỗ đại học và Đức Thanh vào PTTH, ba mẹ đã thuê hẳn xe tự lái để cả nhà về quê ăn Tết - một cái Tết thật hoành tráng và đầy ý nghĩa như ba thường nói.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Từ Hà Nội về quê dài hơn 300 cây số. Nhưng một số đoạn có đường cao tốc nên thuận lợi hơn trước rất nhiều. Cả nhà vừa đi vừa nghỉ, bảy giờ sau đã về tới cổng. Lúc đó trời mới ngả sang chiều.

Ông bà nội vui mừng ra đón con cháu. Ba đậu xe vào góc sân rồi mở cốp để mẹ lấy ra bao đồ đạc lỉnh kỉnh. Ông nội vuốt chòm râu bạc, khoác vai thằng cháu trai đang bắt đầu trổ mã. Bà nội được Mỹ An ôm trọn trong vòng tay. Cô gái ngạc nhiên khi thấy bà đã thấp hơn mình gần một cái đầu sau hai năm không gặp. Cô nhỏ giọng:

- Nội ơi, hình như nội nhỏ đi hay sao ấy?

Bà nội mỉm cười:

- Không phải bà bé đi, mà là con lớn lên.

Quả vậy, hai năm trước, khi về hè, cô bé mới chỉ cao bằng bà, nay đã trở thành sinh viên, cao ráo và xinh xắn. Cô gái thơm vào đôi má nhiều nếp nhăn của bà, giả vờ trượt tay xuống ngực bà để sờ ti như lúc còn thơ bé. Bà nội cười: “Còn chi nữa mà rờ hở con”.

Cả nhà xếp nép đồ đạc gọn gàng rồi ngồi ăn tối. Mỹ An nhìn ông bà, nhìn ba mẹ cùng em Thanh đang quây quần quanh bàn ăn mà rưng rưng xúc động. Cô lấy điện thoại ra, đặt chế độ tự chụp để lưu lại khoảnh khắc êm đềm, ấm cúng này.

Ông nội nói:

- Mai 29, hai bố con Đức Thanh ra nghĩa trang thắp hương thỉnh các cụ về ăn Tết. Mấy mẹ con bà cháu ra chợ xem có cần mua thêm gì không. Ông ở nhà bày đồ lễ.

Đêm đầu tiên sau hai năm mới về thăm quê dần trôi trong tiếng bụi tre kêu kẽo kẹt mỗi khi có cơn gió mạnh thổi tới, tiếng chó sủa vu vơ ngoài xóm, thỉnh thoảng lại có tiếng xe máy, tiếng ô-tô chạy vụt qua…

Sáng hôm sau, ăn sáng xong, ba mượn xe của chú Tạo, cùng Đức Thanh mang hương hoa ra khu nghĩa trang của dòng họ. Ba châm một bó hương to rồi cắm hết trên các mộ, khấn vái một hồi rồi giục con về để còn sang nhà thờ dự lễ tất niên.

Chiếc xe máy đề mãi mà không nổ, Đức Thanh đạp cần khởi động, xe chỉ rồ lên một tiếng rồi im bặt, cậu xuống xe để ba ngồi lên, kéo le, đạp mãi cũng không được. Ba nhìn kim xăng, nhíu mày, xăng vẫn đầy, tại sao xe không nổ nhỉ?

Thanh nghĩ một lúc rồi nhắc:

- Ba xem còn mộ cụ nào mà chưa thắp hương không? Ông nội nói các cụ nhà mình thiêng lắm đấy.

Ba “A” lên một tiếng rồi rút thêm một nắm hương trong túi, chạy ra phía sau nghĩa trang. Nơi ấy có một cái gò nhỏ, mũi nhọn nhô ra ruộng. Nhìn từ xa giống như cái đầu của một con chim, có ngôi mộ tròn như con mắt vậy.

Thanh hiểu ngay: Ba đã quên thắp hương ở gò Mỏ Phượng, nơi an táng một bà cô trong họ, rất xinh đẹp nhưng qua đời khi còn quá trẻ.

Xong xuôi, ba ngồi lên xe và kỳ lạ thật: chỉ cần đề nhẹ, chiếc xe đã nổ máy giòn giã, làn khói xanh mờ mờ phụt ra từ ống xả, mùi xăng nhè nhẹ hòa với mùi nhang thắp trên đồng của các con cháu mời gia tiên về ăn Tết, cùng với mùi của lúa non được làn gió mùa đông thổi lan tỏa khắp cánh đồng tạo nên hương vị hấp dẫn riêng của hương đồng gió nội. Thanh lẩm bẩm: Hương quê…!

Đầu giờ chiều, ba lái xe đưa ông cháu Thanh sang nhà thờ, đi cùng còn có hai ông trẻ là em ruột của ông nội, nhà ở sát bên. Gian nhà thờ của họ Nguyễn Văn và gian từ đường bên ngoài tràn ngập hương hoa. Đủ các loại hoa, từ đào, ly, hồng, huệ, cúc, thược dược, lay ơn… đến các loại hoa dân dã trong vườn như hoàng lan, mẫu đơn, chuối cảnh đua nhau tỏa hương, khoe sắc… và đương nhiên, chỉ cánh đàn ông mới được vào nhà thờ làm lễ nên các bình hoa cắm cũng rất độc đáo, chẳng bình nào giống bình nào. Đức Thanh tủm tỉm, giơ điện thoại lên chụp những bình hoa rất tự nhiên đó để làm kỷ niệm một sắc quê!

Tối về, bà và mẹ đã ngâm gạo, ngâm nếp, Mỹ An cũng rửa xong lá dong và lạt. Năm nay cả nhà đông đủ, lại có hai niềm vui lớn của hai cháu nội nên ông bà quyết định gói hẳn 10kg gạo. Mẹ thái thịt lợn, ướp muối, hạt tiêu. Những miếng thịt cả mỡ cả nạc, được thái to bản, ngấm muối tiêu tỏa mùi thơm phức, sẵn sàng làm nhân bánh đậm đà. Ngoài sân, cái nồi to 60 lít cũng đã được rửa sạch sẽ, chờ xếp bánh chưng vào là reo vui cùng với lửa.

Chiều 30 Tết, sau bữa cơm tất niên thịnh soạn, Mỹ An và mẹ bày bánh mứt kẹo vào chiếc hộp hình hoa năm cánh. Ông đã mặc áo the dài, đốt nén hương vòng trên bàn thờ. Ba rót rượu vào mấy chai nhỏ, chuẩn bị thêm một chai vang và mấy cái ly chờ nâng cốc đón Giao thừa. Xong tất cả đã hơn

10 giờ đêm. Cả nhà ngồi quây quần bên bàn nước, xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ tục đón xuân ở các nước bạn, ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đồng hồ trên tivi bắt đầu đếm ngược thời gian dần đến Giao thừa. Cả nhà vỗ tay khi pháo hoa bắt đầu bung muôn sắc, rồi lời chúc Tết của Chủ tịch nước vang lên, trịnh trọng và đầm ấm giữa muôn hoa.

Ba rót rượu vang ra ly, mời tận tay ông bà, đưa cho mẹ với một nụ hôn phớt qua má khiến má mẹ thoáng ửng hồng, một nụ hôn trên trán cho con gái, một cái ôm vai thật chặt cho con trai. Cả nhà cụng ly trong sắc pháo hoa lộng lẫy, trong ánh đèn nến lung linh trên bàn thờ, trên cây quất và trong mùi hương thơm ngát.

Chợt Đức Thanh kéo tay ông:

- Ông ơi, có tiếng chiêng trống đi vào ngõ nhà mình kìa.

Ông gật đầu:

- Đúng rồi con. Đó là đội hát sắc bùa đến chúc Tết từng gia đình. Ông tra (già) rồi nên được đến trước.

Ba nháy mắt:

- Một phong tục rất riêng và đẹp ở quê mình. Con cứ chờ xem.

Phút chốc, có ánh đèn pin lấp loáng, rồi một tốp gồm sáu ông đứng tuổi bước vào cổng. Ông đi đầu mặc áo dài xanh in hoa chữ vạn, năm ông còn lại đều mặc áo the đen. Một ông đeo trống nhỏ, một ông xách chiêng, một ông cầm phách, còn hai ông đi tay không.

Sau một hồi trống chiêng rộn rã, tiếng phách rung lên giữ nhịp, ông đi đầu trịnh trọng nói to trước những nụ cười mừng rỡ của ông bà, ba mẹ và bốn con mắt mở tròn xoe của chị em Mỹ An, Đức Thanh:

- Đầu xuân năm mới, đội chúng tôi đến chúc Tết toàn thể gia đình. Trước kính lạy anh linh tiên tổ phù hộ độ trì cho con cháu được an khang thịnh vượng, đi đâu được đấy, được thầy được bạn, được vạn sự lành, sau kính chúc gia chủ gặp nhiều may mắn, đắc tài đắc lộc.

Năm ông đánh trống, dóng chiêng, rung phách, vỗ tay và ngân nga như hát:

- Đầu xuân đón Tết. Xóm làng nô nức. Gia đình thành tâm!

Rồi cả sáu ông vừa múa quay vòng tại chỗ, vừa đọc một bài đồng dao mà Đức Thanh đã từng được ông nội đọc cho nghe:

Mần một trận mưa giôông

Nác (nước) băng hói (ngòi, rãnh) băng đồồng

Khoai tốt củ, nứt vồồng (luống)

Đỗ lắm trấy (trái) lôông chôông (tua tủa)

Bông lắm đài, lộộng thộộng (quả sai lủng lẳng)…

Sau bài mở ngõ và bài vào xuân, ông nội mời cả đội sắc bùa đến trước bàn thờ. Ông trưởng đoàn, được gọi là ông cai sắc, khấn vái và xin phép tổ tiên gia chủ, hai tay nâng lá bùa có viết những lời chúc tốt đẹp, cầu mong gia đình gia chủ mạnh khỏe, hạnh phúc, được thần nông phù hộ cho mùa màng tốt tươi, cho cây trái sum suê.

Ông cai sắc dán xong lá bùa lên cột cái trong nhà, ông nội mời mọi người ra bàn uống nước, ăn kẹo. Ba đã rót rượu vang ra các ly và hai tay nâng mời từng ông. Mẹ cũng đưa tặng mỗi ông một phong bao lì xì chúc mừng năm mới.

Sau khi nâng cốc chúc xuân, ông nội tỏ lời cảm ơn, đội sắc bùa cáo từ để còn đi chúc Tết nhà khác. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng gõ phách theo ánh đèn xa dần vào các ngõ xóm.

Đức Thanh lặng im nhìn ông nội đang thắp thêm hương, cậu như đang nhìn thấy, trong làn khói hương thoảng bay, các ảnh hình của anh linh tiên tổ đang nhìn xuống tam đại đồng đường của gia đình cậu với nụ cười hiền hậu, bao dung. Cậu lẩm bẩm: Hồn quê!

Vài năm sau, Đức Thanh liên tục xin phép ba mẹ cho cậu về quê ăn Tết với ông bà nội, mặc dù phải chen chân ở xe khách và chỉ đi về có một mình. Cậu thấy mình đã lớn, còn ông bà ngày một già. Cậu muốn dành thời gian cho ông bà nhiều hết mức có thể. Và hơn nữa, cậu muốn được thưởng ngoạn, được tìm hiểu, được chứng kiến những phong tục tập quán của quê hương mình, nơi lưu giữ và bồi đắp tâm hồn của những người con miền trung. Và cậu hiểu, vì sao những người con ấy, sau bao năm xa xứ làm ăn, vẫn muốn trở về quê khi đã vào tuổi xế chiều…

Vật đổi sao dời, bây giờ cả ông bà nội đều chỉ còn là những hình bóng xa xôi, nhưng kiến trúc sư Đức Thanh vẫn giữ trọn vẹn được những mảnh ghép thiêng liêng của Hương - Sắc - Hồn quê trong tâm trí anh!