Hợp tác Việt Nam - Australia trong một thế giới đổi thay

Năm 2023 đánh dấu tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (1973-2023), hai nước đã đạt được sự hợp tác ngày càng toàn diện, sâu sắc, có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng và đang tiếp tục phát triển qua những dự án tiếp theo.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong (trái) tại Diễn đàn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong (trái) tại Diễn đàn.

Năm thập kỷ nhìn lại, đặc biệt là trong khoảng 15 năm qua, quan hệ Việt Nam - Australia đã đạt được những bước phát triển nhảy vọt. Từ mối quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2009 trở thành quan hệ Đối tác toàn diện tăng cường vào năm 2015 và được nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược năm 2018… Lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia trải rộng từ kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, quốc phòng, thể thao, văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu… cho tới thực hiện bình đẳng giới, chuyển đổi số hay chuyển đổi năng lượng. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại phát triển mạnh, kim ngạch thương mại năm 2022 đã đạt gần 16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia và Australia trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.

Nhân dịp này, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn khoa học “50 năm quan hệ Việt Nam - Australia: Hợp tác khu vực trong một thế giới thay đổi” ngày 22/8 vừa qua. Diễn đàn quy tụ hơn 600 đại biểu, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực và các nhà lãnh đạo uy tín nhằm trao đổi về thông tin chuyên sâu và khả năng hợp tác trong các ưu tiên chung của khu vực.

Tại diễn đàn, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh vai trò của tăng cường hợp tác khu vực là phương thức hữu hiệu để mỗi quốc gia thích ứng với một thế giới thay đổi nhanh hiện nay.

Có mặt tại sự kiện, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong cũng công bố gói hỗ trợ mới của Australia trị giá 94,5 triệu AUD cho việc thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Mê Công trong giai đoạn 2023 đến 2034. “Đây là một thí dụ cho thấy Australia và Việt Nam đang cùng nhau giải quyết những thách thức chung trong biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng”, bà Penny Wong cho biết. Là chuyến thăm chính thức thứ hai tới Việt Nam, Bộ trưởng Penny Wong tái khẳng định, Australia coi trọng hợp tác và ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển bền vững của khu vực tiểu vùng Mekong.

Diễn đàn khoa học “50 năm quan hệ Việt Nam - Australia: Hợp tác khu vực trong một thế giới thay đổi” đã mở ra không gian để các nhà khoa học, chuyên gia, cũng như các nhà lãnh đạo, quản lý Việt Nam và Australia trao đổi, thảo luận làm rõ những nội dung trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa hai quốc gia. Trong phiên tọa đàm bàn tròn, các nhà khoa học, chuyên gia của hai nước đã đi sâu phân tích, đánh giá những nội dung như định hình một cơ chế hợp tác khu vực - toàn cầu đan xen trên nền tảng những quy tắc chung đã được xây dựng và duy trì trong nhiều năm qua; chia sẻ lợi ích vì sự phát triển chung hay tạo dựng phương thức hợp tác bao trùm và rộng mở… Tại đây, các đại biểu đều tán thành rằng một xu thế nổi bật của hợp tác khu vực là sự chuyển đổi từ việc tham gia những “hiệp định nông” sang “hiệp định sâu”, chú trọng nhiều hơn đến vấn đề chia sẻ lợi ích, bao hàm nhiều lĩnh vực vì sự phát triển chung, nổi bật là việc xây dựng các quy tắc, tiêu chuẩn về thương mại điện tử, lao động, bảo vệ môi trường…

Nhiều đại biểu đã đưa ra tham luận chứng minh rằng các dự án liên kết khu vực không chỉ gồm có xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông, năng lượng truyền thống, hài hòa hóa các thủ tục hải quan, mà còn hướng tới xây dựng hạ tầng số, kết nối tri thức và con người. Đồng thời, sự tham gia chủ động, tích cực của các quốc gia mới nổi và tầm trung, đã mang lại nhiều sáng kiến quan trọng trong liên kết, hợp tác khu vực và hợp tác vùng.