Phóng viên (PV): “Về từ hành tinh ký ức” của chị đã ra đời từ sự thôi thúc nào?
Nhà văn Võ Diệu Thanh (VDT): Tôi quen với chất liệu chiến tranh từ lúc nào? Có lẽ từ lúc vì tình quê tôi cặm cụi lấy tư liệu viết cuốn lịch sử xứ Châu Phong, nơi cuộc chiến tràn lên cuộc sống người dân. Tư liệu dồn đầy cho tới ngày tôi ngồi kể cho một độc giả từng làm công tác xuất bản ở Pháp, từng đọc rất nhiều tác phẩm nói về chiến tranh. Chính người bạn ấy thúc bách tôi viết.
PV: Tôi chú ý đến hai chữ “hành tinh” trong tiêu đề của cuốn sách. Nó dường như khiến cho độc giả có cảm giác sẽ đọc một cuốn sách giả tưởng hơn là một cuốn ký sự người thực việc thực?
VDT: Quá khứ tàn khốc kia tưởng như là khó có thể diễn ra trên cuộc sống của loài người. Nhưng nó đã diễn ra và nó cũng đã lùi xa. Vậy mà người trong cuộc vẫn nhớ rành rọt như mọi thứ mới diễn ra. Rồi đứng trước những khung cảnh quá khứ tái hiện mồn một, ai cũng tự hỏi có thực vậy sao, từng như vậy sao mà sống được? Một hành tinh kỳ lạ của sức sống và sự chịu đựng trên chính mỗi con người. Thật gần gũi nhưng cũng thật lạ lẫm như giả tưởng vậy.
PV: Rất nhiều nhân vật trong cuốn sách là nữ, tôi tin đây không phải là một sự ngẫu nhiên trong việc lựa chọn nhân vật của chị?
VDT: Có những sự cố tình ở đường dây chính của cuốn sách là nạn nhân chiến tranh, đau khổ và sự trở về thật nhẹ. Nhưng có một sự ngẫu nhiên là phụ nữ không thích chiến tranh nhưng họ gánh trọn nỗi đau từ chiến tranh. Vì người chiến đấu là chồng, là con, là máu thịt và lẽ sống của họ. Tôi nhìn thấy những người đàn ông về từ chiến trường, phần đông họ có sợ chết chóc thương tật gì đâu. Nhưng mỗi giọt máu của họ rơi xuống là bao nhiêu giọt đau thương của mẹ, của vợ họ. Không có gì đo lường được, tôi là phụ nữ nên tôi cảm cái đau rất gần, rất sâu.
PV: Nhiều người muốn biết khi cuốn sách được chính các nhân chứng xuất hiện trong sách đọc lại, sự đón nhận của họ như thế nào?
VDT: Có người đọc cảm thấy hấp dẫn, đọc nhiều lần vì hình như đúng với những gì họ chứng kiến nhưng mang một diện mạo rất kỳ lạ. Họ tìm hiểu coi lạ ở chỗ nào. Có người đọc cảm thấy vui vì chuyển tải được tâm tư sâu kín của họ.
PV: Liệu còn điều gì khiến chị vẫn còn áy náy rằng mình còn chưa làm được như mong muốn?
VDT: Đây có lẽ là cuốn sách không công phu nhiều bằng những cuốn truyện ngắn hay tiểu thuyết. Vì tôi không đủ sức ngồi nhẩn nha đọc tới đọc lui từng chữ nỗi ám ảnh của mình. Tôi viết kiểu như trải câu chuyện đang diễn ra trước mắt, viết thật chăm chút. Nên nó có thế nào thì vậy cũng đủ rồi.
PV: Không ít tác giả trẻ vẫn còn tâm lý e dè khi động chạm đến mảng đề tài nhiều thách đố là đề tài lịch sử. Chị đã vượt qua được thử thách đó với tác phẩm “Về từ hành tinh ký ức”. Vậy lời khuyên của chị là gì?
VDT: Mỗi ngày, ngồi với những người tham chiến, tôi cảm khá nhiều tâm lý của người trong cuộc. Tôi không khuyên can gì đâu nhưng tôi chỉ lấy kinh nghiệm bản thân. Nghe nhiều bề, nghe với tâm thế của sự thật. Đừng vì một thương ghét cá nhân mà đánh đồng, mà định kiến rồi cảm sự thật theo góc nhìn chủ quan.
PV: Khép lại một tác phẩm nhiều thử thách, chị thấy điều lớn nhất mình đã làm được ở tác phẩm lần này là gì?
VDT: Tôi đã học được thái độ sống tích cực từ chính các nhân vật của mình. Đi qua ranh giới giữa sự sống và cái chết khốc liệt như vậy nhưng họ đã sống thật nhẹ nhàng. Chính điều ấy đem lại cho tôi sự an lạc và không còn ám ảnh về chiến tranh khói lửa vốn luôn đè nặng tâm trí.
PV: Trân trọng cảm ơn chị!