Hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho kiều bào

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, ngày càng trở thành một bộ phận và nguồn lực quan trọng của đất nước. Điều đó đặt ra yêu cầu thiết lập hành lang pháp lý để kiều bào đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo về hình thành cơ chế pháp lý. Ảnh: DUNG HÀ
Hội thảo về hình thành cơ chế pháp lý. Ảnh: DUNG HÀ

Thách thức không nhỏ

Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có các nội dung quan trọng liên quan kiều bào như Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai… Các chính sách về xuất nhập cảnh, trọng dụng nhân tài cũng đã tương đối đầy đủ. Ở các nước, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp các cơ quan chức năng trong nước, cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài tích cực hỗ trợ cộng đồng có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại, góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng ở các nước. “Bà con ta ngày càng gắn bó và tham gia vào công cuộc phát triển đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chịu sự điều chỉnh và được hưởng các quyền theo hệ thống pháp luật sở tại nơi sinh sống, học tập và làm việc. “Trong bối cảnh đó, việc hiểu biết và nắm vững các quy định pháp lý nhằm vừa thực thi, vừa bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình là một thách thức không nhỏ đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của kiều bào tại Việt Nam không ngừng gia tăng”, ông Nguyễn Mạnh Đông nói.

Ghi nhận theo ý kiến kiều bào phản ánh, quá trình triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến bà con vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc do các quy định liên quan nằm rải rác trong các văn bản pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc phổ biến, triển khai thực hiện đôi khi chưa đồng bộ và thống nhất, còn có cách hiểu và áp dụng các quy định khác nhau. Do đó, kiều bào có nhu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về các chính sách, pháp luật và giải đáp thắc mắc.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, hiện nay, nhiều quy định pháp lý, nhất là các quy định trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh đối với đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài có sự thay đổi, nhưng cộng đồng khó có thể theo dõi, cập nhật được hết các thay đổi này. “Kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản mong muốn được cập nhật những thông tin về các chủ trương, chính sách mới nhằm tối ưu hóa cơ hội và giảm rủi ro trong quá trình kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, kiều bào cũng muốn được hỗ trợ thông tin về quyền sở hữu, thiết lập các hợp đồng pháp lý để bảo đảm các quyền của họ khi đầu tư, kinh doanh trong nước”, ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm.

Hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho kiều bào ảnh 1

Các bạn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài trong lễ khai mạc Trại hè Việt Nam 2023. Ảnh: TUOITRE.VN

Tiền đề để hỗ trợ hiệu quả

Khẳng định việc hỗ trợ pháp lý chính là một biện pháp hỗ trợ hiệu quả đối với kiều bào, chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người Việt Nam tại CH Czech, Chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại châu Âu cho biết thêm rằng, hiện nay, khi muốn tìm hiểu các thông tin liên quan pháp lý, kiều bào thường tìm đến internet, trong đó có cả các nguồn thông tin không chính thức. Một số người tìm đến các dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng vẫn lo ngại về rủi ro bị lừa đảo. Vì vậy, bà con rất muốn có kênh kết nối riêng để hỗ trợ kiều bào về vấn đề này.

Tại Hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài diễn ra tại Hà Nội ngày 26/10 vừa qua, các đại biểu nhấn mạnh đây là bước khởi đầu để hình thành cơ chế hỗ trợ pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần hỗ trợ kiều bào trong việc thực thi và bảo vệ các quyền, lợi ích của mình theo đúng quy định pháp luật, góp phần triển khai nhiệm vụ “triển khai các biện pháp tổng thể chăm lo, hỗ trợ đồng bào” tại Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Đại diện Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Đoàn Luật sư thành phố dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai hỗ trợ pháp lý cho bà con kiều bào không vì mục đích lợi nhuận, với đa dạng đối tượng và hình thức hỗ trợ, trên cơ sở phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các tổ chức hành nghề luật sư và các cơ quan chức năng.