Hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa

Mỗi năm có hàng nghìn ca bệnh khó ở các địa phương được cứu chữa kịp thời nhờ khám, chữa bệnh (KCB) từ xa. Được triển khai từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay KCB từ xa đã trở thành hoạt động thường quy mang lại hiệu quả to lớn cho cả cơ sở y tế tuyến trên và tuyến dưới.
0:00 / 0:00
0:00
Một ca hội chẩn từ xa giữa Bệnh viện Nhi trung ương với tuyến dưới. Ảnh: BẮC SƠN
Một ca hội chẩn từ xa giữa Bệnh viện Nhi trung ương với tuyến dưới. Ảnh: BẮC SƠN

Người bệnh được điều trị kịp thời

Mới đây, một bệnh nhi 12 tháng tuổi vừa được hội chẩn từ xa giữa Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội với BV đa khoa Bình Định và nhiều BV tuyến dưới của các tỉnh lân cận cùng tham dự để phân tích, trao đổi ý kiến. Bác sĩ Chuyên khoa II Võ Thành Nam Bình, Phó Giám đốc BV đa khoa Bình Định chia sẻ: “Những ca tim mạch, chẩn đoán ung thư là những ca bệnh khó cho các BV tuyến dưới. Nhờ có hội chẩn trực tuyến như thế này, các bác sĩ sẽ nhận được sự chỉ bảo của các chuyên gia đầu ngành trong tất cả các lĩnh vực, thậm chí chỉ đạo các BV tuyến dưới can thiệp và phẫu thuật trực tuyến. Vì thế, người bệnh được hưởng lợi. Còn đội ngũ y, bác sĩ chúng tôi trưởng thành rất nhiều”.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hằng tuần BV đa khoa Bình Định đều tham gia hội chẩn những ca bệnh khó, bệnh nặng với các BV tuyến T.Ư trong cả nước. Bên cạnh đó thông qua các bệnh viện như: BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Hà Nội, BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, BV Bạch Mai, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng 2, BV Thống Nhất, BV Từ Dũ… thực hiện công tác đào tạo trực tuyến cho các đối tượng là các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên với các chuyên ngành: Hồi sức, Tim mạch, Ung bướu, Thần kinh, Nhi khoa, Sản khoa…

Hiện, đã có hơn 150 bệnh viện tuyến dưới các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Hà Giang đăng ký tham gia hội chẩn và đào tạo trực tuyến với BV Đại học Y Hà Nội. Từ năm 2020, BV Đại học Y Hà Nội đã KCB từ xa cho gần 2.500 ca bệnh. Đây là những ca bệnh nặng và khó, vượt quá khả năng chuyên môn của các bác sĩ tuyến dưới. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, nếu chuyển tuyến thì khả năng cứu sống là rất khó. Bác sĩ Hà Thị Hường, Giám đốc Trung tâm Y tế Si Ma Cai (Lào Cai) chia sẻ: “Nếu chúng tôi đi ra tỉnh là 93 cây số, đi xuống T.Ư lại càng khó khăn hơn. Với người dân, việc KCB từ xa với các chuyên gia cũng như với các thầy, các GS, PGS mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ tham gia KCB từ xa mà một cơ sở KCB tuyến huyện như chúng tôi đã điều trị được cả những ca bệnh nặng, thập tử nhất sinh”.

Hiệu quả khám, chữa bệnh từ xa ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Thị Thương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp khám bệnh từ xa cho bệnh nhân. Ảnh: TTXVN

Sớm có hành lang pháp lý

Được triển khai từ năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19, đề án “KCB từ xa hay còn gọi là Telehealth” đã xóa nhòa khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến T.Ư và địa phương. Người bệnh ở vùng sâu, vùng xa đã được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và đưa ra các phương án điều trị ngay tại địa phương. Điều này đã góp phần giảm tải tuyến trên và giúp người dân giảm nhiều chi phí. Tính đến nay đã có hàng nghìn người bệnh được khám, điều trị, phẫu thuật trực tuyến ngay tại tuyến y tế cơ sở, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, khó. Đồng bộ với việc KCB từ xa là xây dựng bệnh án điện tử và liên thông kết quả xét nghiệm điều trị giữa các bệnh viện không chỉ giảm các chi phí xét nghiệm mà còn loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết.

Tuy nhiên, để triển khai tốt hơn nữa đề án này thì cần phải có những chính sách quy định rõ ràng và sự đầu tư về cơ sở vật chất tại các tuyến. Đây cũng là những ý kiến được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết Đề án KCB từ xa năm 2023 do Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa mới tổ chức. Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thành Nam Bình chia sẻ: “Được sự quan tâm của tỉnh đã dành ra kinh phí để đầu tư trang thiết bị, hệ thống phần mềm, hệ thống máy chủ và đào tạo về chuyên môn, kết nối đồng bộ các BV với nhau. Nếu được phần mềm kết nối này, tôi nghĩ, những thanh toán chi phí giữa BV với bảo hiểm cũng như với các BV khác rất thuận lợi”.

Nói về khó khăn khi triển khai KCB từ xa, TS, bác sĩ Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và can thiệp điện quang của BV Đại học Y Hà Nội cho biết: Điều cần nhất là sự quyết tâm của các BV tuyến dưới từ lãnh đạo đến các bác sĩ, nhân viên thể hiện được tinh thần muốn học tập, nâng cao trình độ của mình để cống hiến cho bệnh nhân. Còn điều kiện vật chất thì khá đơn giản vì bản thân của chương trình Telehealth-KCB từ xa, các BV chỉ cần hai phòng họp trực tuyến có hệ thống camera, có hệ thống loa và một đường truyền internet đơn giản.

KCB từ xa phụ thuộc rất nhiều vào xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Trong đó, các thiết bị xét nghiệm và các thiết bị chẩn đoán hình ảnh tuyến huyện cũng tương đối đủ để tham dự và đáp ứng được chương trình. Hiện tại trong hơn 150 BV đã tham gia chương trình Telehealth với BV Đại học Y Hà Nội thì phần lớn các BV đã đáp ứng. “Đối với số nhỏ các BV chưa có thì có thể chụp ở các cơ sở y tế gần nhất, sau đó tải dữ liệu lên hệ thống, chúng tôi sẽ xem được như đang ngồi với các y, bác sĩ tuyến dưới ở phòng chụp”, TS, bác sĩ Lê Tuấn Linh nói.

Ngoài hội chẩn từ xa, BV Đại học Y Hà Nội còn KCB cho hồi sức cấp cứu còn gọi là TeleICU. TS, bác sĩ Lê Tuấn Linh chia sẻ: “Khác với KCB thông thường, TeleICU trong hồi sức cấp cứu cần phải trực tiếp. Vậy tuyến cơ sở phải cần một hệ thống camera, mic và đi đến tận giường bệnh của bệnh nhân, đó là điều khác biệt duy nhất. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai rất tốt với BV đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, BV đa khoa tỉnh Thanh Hóa và cũng đã chữa trị cho khá nhiều bệnh nhân”.

PGS, TS, bác sĩ Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Đại học Y Hà Nội chia sẻ về lợi ích TeleICU: “Lợi ích quan trọng nhất của TeleICU là hội chẩn trước để xem tình hình bệnh nhân có phải chuyển hay không và khi chuyển thì tình trạng của người bệnh như thế nào, chúng tôi có thể theo dõi được người bệnh từ tuyến dưới và trong suốt quá trình chuyển đến với BV chúng tôi. Việc tiếp cận người bệnh cũng như đưa ra những phương án xử lý phù hợp với cụ thể người bệnh có thể nhanh nhất và tốt nhất”.

Như vậy, hệ thống KCB từ xa thật sự mang lại hiệu quả, người dân thì được chăm sóc sức khỏe và được điều trị kịp thời từ các bác sĩ đầu ngành mà không phải lên tuyến trên. Đến nay, chúng ta cũng đã có những cơ chế, chính sách trong thanh toán, chi trả khi KCB từ xa. Đây vốn là điểm tắc nghẽn của hệ thống KCB từ xa. Theo Luật KCB mới được thông qua và áp dụng từ tháng 1/2024 thì cho phép KCB từ xa. “Tuy nhiên, các thông tư, các nghị định và các hướng dẫn dưới đó thì vẫn chưa có chuẩn bị để sẵn sàng. Thí dụ, vấn đề kinh phí, trang thiết bị, tiêu chuẩn người tham gia KCB từ xa. Hiện, chúng ta chưa có hướng dẫn cụ thể nên các cơ sở KCB vừa làm vừa dò”, TS, bác sĩ Lê Tuấn Linh bày tỏ.

Ngoài ra, quy trình KCB từ xa khác so với khám trực tiếp, nhân viên y tế phải thao tác trên các thiết bị và phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) nhưng hiện nay vẫn chưa có các chuẩn năng lực chuyên môn và tiêu chuẩn CNTT đối với người hành nghề khám, chữa bệnh từ xa. Bên cạnh đó, danh mục kỹ thuật được thực hiện tư vấn KCB từ xa mặc dù đã được các sở y tế xây dựng nhưng chưa có cơ sở pháp lý vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của Bộ Y tế làm căn cứ.

Do đó, kiến nghị hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến tư vấn, KCB từ xa đã được nhiều đơn vị đưa ra. Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, hiện nay, Bộ đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi. Theo đó, nội dung KCB từ xa (trong Điều 80) sẽ được quy định cụ thể, chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế, người hành nghề và đặc biệt là người bệnh được hưởng lợi từ hoạt động này.