Phụ huynh, đòn bẩy không thể thiếu
Theo nhà văn Lê Thanh Nga, nguyên biên tập viên NXB Kim Đồng, hãy bắt đầu bằng mấy cách đơn giản: Cho trẻ tiếp xúc với sách và tranh; bản thân người lớn cũng hay tiếp xúc với sách và cho con trẻ thấy được điều đó; cho trẻ những điều lý thú khi mở một cuốn sách ra; đồng thời, đừng sốt ruột, tình yêu này phải nuôi dưỡng từ từ theo kiểu mưa dầm thấm lâu.
Trẻ con luôn có xu hướng bắt chước và học theo người lớn. Vậy muốn con yêu sách, trước hết bố mẹ phải làm gương: đọc sách trước mặt con. Các chuyên gia và tác giả cho rằng, không thể đòi hỏi một đứa trẻ yêu sách nếu các thành viên trong gia đình của nó chỉ yêu… smart phone. Hiện nay, có nhiều bậc cha mẹ trong ban phụ huynh của lớp đã khuyến đọc bằng cách chọn sách làm phần thưởng kết thúc năm học. Thay vì tặng tiền, hay đồ chơi đắt tiền, có thể tặng sách cho trẻ. Chị Vũ Phương ở Hoàng Mai, Hà Nội, có một con đang học lớp 2 và một con mới 2 tuổi. Chị cho biết: Mình chọn sách nên theo lứa tuổi của con. Với cháu nhỏ, mình chủ yếu cho cháu xem là sách tranh, mầu sắc hấp dẫn sẽ kích thích các giác quan, phát triển tư duy của trẻ. Ngoài ra mình chọn cho hai đứa thơ, đồng dao, đọc cùng con những bài ngắn dễ nhớ dễ thuộc nhằm phát triển khả năng ngôn ngữ và cảm xúc. Mình nghĩ, các bậc cha mẹ không nên đọc CHO con, mà hãy đọc CÙNG con. Mỗi lần đọc sách cùng con, chính cha mẹ lại học được thêm những điều mới mẻ. Chị Phương còn chia sẻ về “trò chơi phân vai” của nhà mình. Theo đó, cả gia đình cùng nhập vai vào cuốn sách, và hai con rất hào hứng với cách đọc này.
Mở ra cách làm bạn với sách
Hiện nay, các NXB và các đơn vị làm sách tổ chức rất nhiều sự kiện về sách. Có những cuộc ra mắt với sự có mặt của các tác giả, diễn giả là những người nổi tiếng, người có chuyên môn và có khả năng thuyết trình tốt. Khi trẻ được tiếp xúc với họ, trẻ sẽ có cảm giác muốn được như họ, và một con đường phù hợp để các em áp dụng chính là đọc sách. Các hoạt động tương tác trong các sự kiện sách như đọc thơ, thi kể chuyện, vẽ tranh, làm son, làm bánh... cũng kích thích trẻ trổ tài và tạo cho trẻ cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái khi làm bạn với sách. Giảng viên Lê Tuân, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội gợi ý, có rất nhiều hội sách, CLB Đọc sách, Đường sách, cha mẹ có thể đưa các con đến đó vào cuối tuần để tạo thói quen và không gian đọc sách cho con. Cùng với đó, việc tổ chức các cuộc thi điểm sách, viết cảm nhận về sách, làm clip về sách cũng là những hoạt động kích thích niềm yêu thích đọc sách của con.
Thầy giáo Trịnh Quỳnh, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định, được biết đến là một trong những người tích cực với phương pháp dạy Văn bằng sơ đồ tư duy. Theo thầy Quỳnh, giáo viên cần tăng cường hoạt động đọc trên lớp ngoài các tác phẩm trong sách giáo khoa, dùng các tác phẩm văn học tác phẩm kinh điển, tác phẩm mới đương đại được nhiều bạn trẻ yêu thích, các sách bàn về triết lý sống, kỹ năng sống. Thầy cho biết: Bản thân tôi vẫn tặng sách thường xuyên cho những bạn học sinh học tốt, giới thiệu các cuốn sách hay đọc được, lựa chọn những trích đoạn hay để dạy và định hướng học sinh tìm mua và chọn sách để đọc. Từ việc hình thành thói quen đọc sách, giáo viên khơi gợi tình yêu đọc sách ở các bạn học sinh, học sinh sẽ thấy được sự cần thiết của sách trong cuộc sống, gắn sách với các hoạt động học tập. Từ đó, các em có thêm nhiều trải nghiệm, nuôi dưỡng tâm hồn và cũng là cách để giải trí sau những tháng ngày học tập căng thẳng.