Quá trình thiết lập
Theo TASS, trong lịch sử nhân loại, các đế chế thường sử dụng căn cứ quân sự ở bên ngoài để áp đặt sự thống trị của mình. Trong cuốn sách “The Sorrows of Empire” (tạm dịch: “Những điều âu lo của đế chế”) xuất bản vài năm trước, nhà nghiên cứu người Mỹ Chalmers Ashby Johnson đã sử dụng thuật ngữ “Đế chế các căn cứ quân sự” để chỉ hệ thống căn cứ quân sự Mỹ trên toàn cầu. Ông cho rằng “đế chế các căn cứ quân sự” là công cụ quan trọng hàng đầu, là biểu tượng rõ rệt nhất cho sự thống trị của Mỹ trong suốt hơn 50 năm qua. Nó là sản phẩm của Chiến tranh thế giới thứ hai và tiếp tục phát triển trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Căn cứ đầu tiên của Mỹ ở nước ngoài là Guantanamo tại Cuba, là kết quả của cuộc chiến tranh giành thuộc địa giữa Mỹ và Tây Ban Nha. Ngay từ năm 1903, Mỹ đã áp đặt hiệp định thuê mướn Guantanamo vô thời hạn với chính quyền Cuba, bất chấp sự phản đối của chính quyền Cuba. Guantanamo hiện vẫn là nơi Mỹ bố trí lực lượng đồn trú cùng nhà tù giam giữ các cá nhân mà Washington coi là “nguy hiểm nhất trên thế giới”. Ngoài ra, rất nhiều căn cứ quân sự của Mỹ đã được thiết lập sau chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến vùng Vịnh và cuộc chiến ở Afghanistan. Căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa là di sản của sự chiếm đóng Nhật Bản của Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sau chiến tranh, Mỹ đẩy mạnh quá trình hiện diện về quân sự ở nước ngoài, trong bối cảnh do làn sóng đấu tranh giành độc lập của người bản địa, các cường quốc như Anh và Pháp bắt đầu phải từ bỏ các thuộc địa khắp thế giới, đặc biệt ở châu Á. Nước Mỹ trở thành cường quốc sở hữu hệ thống căn cứ quân sự nhiều chưa từng có. Cựu cố vấn chính trị tại Bộ Tham mưu liên binh chủng Mỹ James Blaker cho biết, đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống căn cứ của Mỹ được phân bố tại 2.000 địa điểm, được xây dựng tại hơn 100 quốc gia. Blaker tiết lộ: “Bên sự độc quyền về năng lượng nguyên tử, không có biểu tượng nào phổ quát hơn để thừa nhận ngôi vị cường quốc của Mỹ là hệ thống các căn cứ quân sự tại nước ngoài”.
Từ thời điểm Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô (trước đây) nổ ra, việc dấu chân của các đồng minh ngày càng thu hẹp trên phạm vi toàn cầu khiến Mỹ lo sợ họ sẽ mất đi sự kiểm soát đối với thế giới, theo diễn giải của David Vine, tác giả cuốn “Island of Shame” (tạm dịch: “Hòn đảo của nỗi hổ thẹn”) nói về số phận quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên khi Liên Xô tan rã (năm 1991), Mỹ chẳng những không giảm bớt căn cứ ở châu Âu mà tiếp tục tìm cách mở rộng sự hiện diện về hướng Đông Âu, vốn bao gồm các nước thành viên Hiệp ước quân sự Warsaw. Thậm chí, Mỹ đã đàm phán với Bulgaria và Romania về khả năng triển khai hiện diện quân sự thường trực sau khi đạt một số thỏa thuận tương tự với Ba Lan.
Kế hoạch tái bố trí lực lượng
Theo tờ Politico, hiện nay, Mỹ là quốc gia có sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới, với mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài nhiều hơn bất cứ nước nào, bất cứ lực lượng nào trong lịch sử nhân loại. Theo đó, Washington đang vận hành khoảng 800 căn cứ quân sự trên khắp thế giới, là các khu vực đồn trú của xấp xỉ 230 nghìn binh sĩ. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ duy trì hơn 154 nghìn binh sĩ, trong đó bao gồm 50 nghìn binh sĩ tại 109 căn cứ ở Nhật Bản, 28 nghìn binh sĩ làm nhiệm vụ tại 85 căn cứ ở Hàn Quốc. Tại châu Âu, “xứ cờ hoa” có 65 nghìn binh sĩ đồn trú tại 350 căn cứ, trong đó có 58 căn cứ ở Italia và gần 180 căn cứ trên lãnh thổ Đức.
Hệ thống căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài như một “mạng nhện khổng lồ” phủ kín địa cầu. Tuy nhiên, cũng có những báo cáo khác cho thấy do tính chất bí mật, thực tế số căn cứ quân sự của Mỹ lớn hơn nhiều. Theo đó, riêng tại Iraq, giai đoạn cao điểm vào năm 2004, Mỹ duy trì khoảng 400 căn cứ, đồn bốt, kho vũ khí. Về chi phí, theo tính toán, hằng năm Mỹ bỏ ra khoảng từ 85 - 100 tỷ USD cho việc duy trì các căn cứ quân sự ở nước ngoài, nếu tính cả ở những khu vực có chiến sự thì con số này là từ 160 - 200 tỷ USD.
Hệ thống căn cứ quân sự nước ngoài của Mỹ được chia thành ba loại. Thứ nhất là căn cứ vĩnh cửu, bao gồm các căn cứ hải quân, không quân và các căn cứ bộ binh lớn, xây dựng trên lãnh thổ của nhiều nước đồng minh. Tiếp đó là căn cứ phục vụ tác chiến, dùng để chỉ những căn cứ hậu cần, kho dự trữ vũ khí, đạn dược, các căn cứ quân sự loại nhỏ để dùng vào việc huấn luyện và tổ chức diễn tập. Cuối cùng là những căn cứ có đủ những điều kiện cơ bản để cấu thành một căn cứ quân sự khi cần.
Giới chức Mỹ nhiều lần khẳng định, các căn cứ quân sự của nước này ở châu Âu có mục đích bảo vệ đồng minh khỏi cái gọi là “mối đe dọa” từ Nga; căn cứ ở Trung Đông bảo đảm dòng chảy tự do của dầu mỏ, chống khủng bố, cực đoan, ngăn chặn nguy cơ Iran gây hấn; các căn cứ ở châu Á thì bảo vệ đồng minh trước nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiệu ứng răn đe của các căn cứ này thường bị báo chí, truyền thông Mỹ “thổi phồng”. Trong bài báo trên tạp chí Time, tác giả John Glaser nhận định, các căn cứ quân sự ở nước ngoài không bảo vệ nước Mỹ khỏi cuộc tiến công trực tiếp.
Trong tình hình mới, cả cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden đều muốn tái bố trí lực lượng ở nước ngoài nhằm phục vụ chính sách an ninh mới. Về các mối đe dọa, không có quốc gia đối trọng nào thật sự đủ khả năng tiến công Mỹ từ xa, ngoại trừ Nga và Trung Quốc, là các cường quốc quân sự, sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông John Glaser, Mỹ và đồng minh nói họ muốn tăng cường hiện diện quân sự gần Nga để chống lại nguy cơ xâm lược từ nước này, song chính bước đi của Mỹ đã đẩy căng thẳng với Moscow lên cao. Trên tờ Politico, chuyên gia David Vine cũng cho rằng, các căn cứ của Mỹ sát vách các nước có thể dấy lên nguy cơ chạy đua vũ trang.
Trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ D. Trump, ông chủ trương rút bớt quân đội khỏi các nước vì số tiền chi ra quá lớn so ngân sách quốc phòng của các đồng minh châu Âu. Từ khi nhậm chức năm 2016, ông Trump nhiều lần nhắc tới khoản ngân sách khổng lồ mà Mỹ phải bỏ ra để vận hành các căn cứ quân sự ở nước ngoài, thường xuyên hối thúc các đồng minh đóng góp nhiều hơn. Tại một loạt sự kiện cấp cao thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Trump yêu cầu các nước chi mạnh tay hơn cho quân sự, song lời đề nghị này đến nay được đáp ứng chưa đáng kể. Đáng chú ý, đầu tháng 6-2020, ông đã ra lệnh cho quân đội Mỹ rút 9.500 binh sĩ trong tổng số 34.500 binh sĩ đồn trú khỏi Đức, động thái sau đó đã vướng chỉ trích của các quan chức Đức và cả Mỹ.
Theo giới quan sát, khác với người tiền nhiệm, nhiều khả năng Tổng thống J. Biden sẽ đẩy mạnh triển khai đồn trú đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện chiến lược “tái cân bằng” và “xoay trục” của mình, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách quốc phòng đối với Trung Đông nhiều thập niên qua, đồng thời đối phó tốt hơn các vấn đề đối nội cũng như cực đoan và phân biệt chủng tộc.