Hệ lụy từ việc chống sử dụng vaccine

Thời gian gần đây, sự quay lại của dịch sởi đang gây ra nhiều lo lắng cho người dân khắp thế giới. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này được cho là xuất phát từ phong trào chống sử dụng vaccine (anti-vaccine) đã và đang “dậy sóng” trên các trang mạng xã hội. Và vì thế, các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu phong trào anti-vaccine tiếp diễn sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Biếm họa của MALCOLM MAYES
Biếm họa của MALCOLM MAYES

Dịch sởi diễn biến phức tạp

Theo Reuters, trong vài năm trở lại đây, dịch sởi đang quay trở lại và bùng phát mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới. Theo dữ liệu mới công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2018, trên thế giới có khoảng 229.000 ca bệnh sởi, tăng 30% so con số 170.000 ca năm 2017. Trong số đó, có tới 13.600 trường hợp mắc bệnh đã tử vong.

Căn bệnh dễ truyền nhiễm này lây lan mạnh tại hàng loạt quốc gia như Hy Lạp, Ukraine, Mỹ, Venezuela, Philippines, Madagascar… Tại Madagascar, trong giai đoạn từ đầu tháng 9-2018 đến đầu tháng 2-2019, đã ghi nhận gần 53.500 trường hợp nhiễm bệnh và 312 người đã tử vong. Tại Philippines, trong tháng 1-2019, đợt bùng phát sởi mới nhất khiến ít nhất 4.302 người mắc bệnh và 70 người tử vong. Bộ Y tế nước này cho biết, trong số những người mắc bệnh có tới 66% chưa từng tiêm phòng vaccine sởi. Tình trạng lưỡng lự trong việc tiêm vaccine cũng khiến dịch bệnh ngày một nghiêm trọng hơn.

Theo WHO, tại 47 quốc gia châu Âu (với dân số gần 900 triệu người) trong năm qua đã có khoảng 82.600 người được ghi nhận mắc bệnh sởi. Trong số đó, 72 trường hợp đã tử vong. Đây được xem là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý là có đến 56% số bệnh nhân chưa được tiêm chủng, hoặc không rõ có tiêm chủng hay không. Ukraine cũng đang là một “điểm nóng” về bệnh sởi tại khu vực này. Bộ Y tế Ukraine cho biết, chỉ từ cuối tháng 12-2018 đến đầu tháng 2-2019, có hơn 15.000 ca bệnh, và bảy trường hợp tử vong vì sởi đã được báo cáo, và dịch bệnh này đang diễn biến ngày một phức tạp hơn.

Trong khi đó, tại Mỹ, ngày 11-2 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết kể từ đầu năm nay đã nhận báo cáo về 101 ca bệnh sởi mới tại 10 bang. Theo CDC, ước tính 90% số người dân ở gần bệnh nhân sởi sẽ bị lây nhiễm trừ khi họ được tiêm chủng hoặc miễn nhiễm tự nhiên. Virus sởi phát tán khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, và có thể sống trong không khí đến hai giờ đồng hồ.

Tại Việt Nam, chỉ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước đã ghi nhận 664 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rải rác tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu là miền bắc và miền nam, dù đây đang là thời điểm trái mùa. Tại Hà Nội, số ca mắc sởi đã lên đến 114. Đáng chú ý, gần 90% số bệnh nhân bị phát hiện không tiêm, hoặc tiêm ngừa sởi không đủ liều. Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng, tính từ đầu năm 2019 có gần 6.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 978 ca sởi và 386 ca tay chân miệng. Có tới 95% trong số này không rõ lịch sử tiêm chủng vaccine.

Hiểm họa từ anti-vaccine

Theo Le Figaro, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch sởi bùng phát mạnh mẽ thời gian gần đây là do phong trào anti-vaccine, và nhiều phụ huynh trên thế giới đã quyết định không cho con của mình tiêm phòng. Trào lưu này được cho là bắt đầu từ năm 1998, khi một bài báo của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đăng trên tờ The Lancet. Trong đó, vị bác sĩ này công bố một nghiên cứu cho rằng vaccine sởi, quai bị, rubella có thể gây bệnh tự kỷ. Sau này, giới chức y tế thế giới đã tìm ra nhiều bằng chứng bác bỏ kết luận trên, coi thông tin của vị bác sĩ người Anh là vô căn cứ, thiếu trung thực và vô trách nhiệm. Dù vậy, công bố của ông Wakefield đã kịp tạo ra những nghi hoặc trong các bậc phụ huynh trên thế giới.

Thời gian gần đây, phong trào anti-vaccine chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Theo một báo cáo tại Anh, đã có tới gần 50% số phụ huynh có con nhỏ đã đọc được thông tin về chống vaccine trên trang mạng xã hội nói trên. Các nhóm tuyên truyền chống vaccine (anti-vaxxers) hoạt động trong các nhóm kín trên Facebook, những người muốn tham gia bắt buộc phải trả lời câu hỏi hoặc qua kiểm duyệt. Bằng cách này, các nhóm có thể tùy ý chọn thành viên mình muốn, và lan truyền tin giả thoải mái mà không bị phản ứng. Số thành viên của một nhóm như “Stop Mandatory Vaccination” (Dừng tiêm vaccine bắt buộc) lên tới 150.000 người.

The Guardian cho biết, không chỉ tạo các nhóm, trang để cùng trao đổi, bàn luận, các hội chống vaccine như “Stop Mandatory Vaccination”, “Vax Truther”, “Anti-Vaxxers” còn chạy quảng cáo nhắm tới phụ huynh với các thông tin sai sự thật về vaccine. Điều đáng ngạc nhiên là các nhà quản lý Facebook đã chấp thuận và để mặc những quảng cáo này ngang nhiên tồn tại và tràn lan trên trang mạng xã hội có nhiều người sử dụng nhất thế giới.

Phong trào anti-vaccine đã phát triển mạnh mẽ đến mức tại chín bang của Mỹ, chỉ có chưa đến hai phần ba số trẻ em từ 19 đến 35 tháng tuổi được tiêm chủng đầy đủ bảy bệnh cơ bản (bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, sởi, quai bị và viêm gan B). Tỷ lệ này ở Anh, Pháp cũng chỉ đạt dưới 95%.

Trước những nguy cơ từ phong trào “anti-vaccine”, mới đây, WHO đã xếp tình trạng lưỡng lự hoặc từ chối tiêm vaccine vào danh sách 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019. Nhiều chuyên gia y tế lên tiếng yêu cầu Facebook phải có hành động kịp thời nhằm chấm dứt tình trạng tuyên truyền sai lệch trên trang mạng này. Người phát ngôn của Viện Nhi khoa Mỹ, bà Wendy Sue Swanson, cho rằng: “Facebook cần ưu tiên giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người, nhất là khi thông tin giả bị lan truyền. Đây không còn là vấn đề sức khỏe từng cá nhân mà nó ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Phụ huynh cần được biết những thông tin đúng đắn. Nếu nghe được những thông tin sai lệch họ sẽ càng sợ hãi, căng thẳng và có thể không cho con tiêm vaccine, điều này rất nguy hiểm”.

Giới chức nhiều nước trên thế giới đã đề ra hàng loạt biện pháp mạnh tay. Tại Đức, Quốc hội đã thông qua một đạo luật về việc bắt buộc tiêm vaccine cho trẻ, áp dụng kể từ tháng 6-2017. Theo đó, các trường mầm non, mẫu giáo sẽ buộc phải báo cáo cho cơ quan chức năng về các trường hợp bố mẹ không chứng minh được là đã tiêm vaccine hoặc từ chối tiêm chủng cho con. Những phụ huynh không tuân thủ lịch tiêm chủng phải chịu mức phạt lên tới 2.800 USD. Trong khi đó, kể từ năm 2018, giới chức Pháp cũng bắt buộc các bậc phụ huynh phải cho trẻ tiêm vaccine phòng 12 loại dịch bệnh cơ bản. Nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng, trẻ em sẽ không được nhận vào trường học.

Các chuyên gia y tế cho rằng, dù nhiều nước đã đưa ra các biện pháp cưỡng chế tiêm chủng, nhưng điều quan trọng là cần có những chiến dịch tuyên truyền, quảng bá thiết thực về hiệu quả của vaccine để có thể loại bỏ hoàn toàn sự hoài nghi của những người có tư tưởng bài trừ loại chế phẩm này.