Hiệp sĩ Dế Mèn 2023:

Hãy viết hay để các em tự tìm ra bài học

Nhà văn Trần Đức Tiến vừa nhận được Giải Hiệp sĩ Dế Mèn cho tập truyện “Alô… Cậu đấy à” do NXB Kim Đồng ấn hành. Mấy chục năm cầm bút, ông luôn dành cho bạn đọc nhỏ những ưu ái đặc biệt. Và ngược lại, tình cảm mà bạn đọc nhỏ dành cho tác giả là giải thưởng lớn nhất. Ông chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Trần Đức Tiến phát biểu khi nhận Giải Hiệp sĩ Dế Mèn.
Nhà văn Trần Đức Tiến phát biểu khi nhận Giải Hiệp sĩ Dế Mèn.

Phóng viên (PV): Chúc mừng nhà văn Trần Đức Tiến đã trở thành Hiệp sĩ Dế Mèn của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn năm nay cho tập truyện “Alô… Cậu đấy à”. Thông qua tác phẩm thì nhà văn mong muốn gửi điều gì tới các em?

Nhà văn Trần Đức Tiến: “Alô… Cậu đấy à” tiếp nối mạch cảm hứng của cuốn truyện “Xóm bờ giậu” (Giải B Sách Quốc gia năm 2019), miêu tả về các loại côn trùng, động vật nhỏ bé quanh ta. Cả hai cuốn truyện đều được họa sĩ trẻ Kim Duẩn vẽ minh họa, NXB Kim Đồng ấn hành. Tôi từ nhỏ sống ở quê nên rất gần gũi các con vật nhỏ bé chung quanh và luôn xem chúng như những người bạn thân thiết. Khi ra thành phố thì những kỷ niệm về những loài vật đó không còn. Trong quá trình viết truyện “Alô… Cậu đấy à?” thì ở ngôi nhà giữa phố của tôi cũng có một mảnh vườn, bờ giậu, bụi trúc và giàn hoa. Các nhân vật trong tác phẩm cũng chính là những con vật có thật sống trong khu vườn luôn xanh mát và rộn ràng tiếng chim như là: dế, thằn lằn, cóc, xén tóc, bọ ngựa… Hằng ngày tôi được nhìn thấy và tiếp xúc với chúng, được nghe âm thanh chúng trò chuyện thì tôi luôn nhớ về tuổi thơ của mình nhiều năm trước. Và thế là những câu chuyện nho nhỏ bắt đầu hình thành trong trí tưởng tượng của tôi.

PV: Những con vật như nhà văn vừa chia sẻ thì trẻ em thành phố ít có điều kiện biết tới. Bằng trí tưởng tượng ông đã miêu tả, lồng ghép những đặc tính giống loài của các con vật trở thành câu chuyện gần gũi hằng ngày, tạo nên nhiều bài học nho nhỏ chuyển tới các em như thế nào?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Chính vì xuất phát từ ý nghĩ rằng, trẻ em ở thành phố hiện nay ít có điều kiện tiếp xúc với thiên nhiên, với các loài vật nhỏ bé và hiền lành trong khu vườn. Thì khi tôi viết truyện với mục đích là muốn giới thiệu các con vật đó đến với các em, giống như là đang giới thiệu những người bạn cũ của tôi cho các em vậy. Viết cho thiếu nhi từ bản thân mình và một vài bạn văn mà tôi biết thì ít phụ thuộc vào chủ đề hay ý tưởng, mà tôi tạm gọi là “bài học muốn gửi gắm”. Nếu vượt thoát được suy nghĩ đó thì câu chữ tới tung tẩy, phóng khoáng. Vậy nên trong cuộc sống tôi bắt gặp điều gì hoặc chi tiết nào cảm thấy hấp dẫn được các em, các em muốn được nghe, được biết thì tôi sẽ kể lại. Chứ còn những bài học nếu như có thì là tự mỗi em sẽ nhận ra. Các em sẽ tìm thấy bài học của riêng mình trong tác phẩm. Đấy mới thật sự là văn học đúng nghĩa.

PV: Nhiều em hiện nay không thích đọc tác phẩm văn học dài. Vậy nhà văn đã khắc phục điều này bằng cách nào để luôn đồng hành cùng thiếu nhi?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Chính vì hiểu được tâm lý đó của trẻ thơ nên hầu hết tác phẩm của tôi đều là câu chuyện ngắn, thậm chí là rất ngắn, góc nhìn trực diện khi miêu tả về thế giới tự nhiên. Viết ngắn là khó. Nhưng có lẽ do tạng của tôi là luôn thích viết ngắn… Phải chăng vì thế mà nhiều tác phẩm của tôi luôn được các em tìm đọc và yêu thích. Tôi nghĩ văn chương đích thực có thể là những câu chuyện rất ngắn nhưng lại hàm chứa nhiều ý nghĩa, chứ đâu cứ viết dài mới được cho là văn chương. Đặc biệt là sáng tác cho trẻ thơ.

PV: Văn phong của nhà văn Trần Đức Tiến rất ngắn nhưng lại giàu hình ảnh, sinh động, hóm hỉnh và dễ hình dung. Đặc biệt là văn miêu tả. Điều này khá phù hợp với học sinh cấp 1. Các em có thể vừa đọc truyện vừa học được cách hành văn. Phải chăng đây là chủ ý khi ông sáng tác cho thiếu nhi?

Nhà văn Trần Đức Tiến: Tôi đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các thầy cô giáo khi giảng dạy tác phẩm của tôi trong chương trình Ngữ văn cấp 1 và cấp 2. Nhiều thầy cô còn công phu gửi tới tôi về các tiết học ở trên lớp khi mà tác phẩm của mình được học sinh yêu thích và tương tác rất nhiều. Đây là phần thưởng vô cùng lớn cho chính người sáng tác như tôi.

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn và một vài giải thưởng khác hướng tới các tác phẩm viết cho các em luôn là điều cần thiết. Bởi vì tiềm năng văn chương còn ẩn chứa trong nhiều tác giả trẻ, kể cả mới chỉ ở dạng bản thảo. Qua tìm hiểu thì tôi biết là nhiều bạn trẻ rất có tố chất sáng tác cho thiếu nhi. Những giải thưởng như thế này sẽ kích thích sự sáng tạo không ngừng của nhiều cây bút sáng tác cho thiếu nhi.

PV: Xin cảm ơn nhà văn!

Nhà văn Trần Đức Tiến từng giành được nhiều giải thưởng: Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1987 và 1990), Giải nhất truyện ngắn báo Người Hà Nội (1986), Giải nhất Cuộc thi Tiểu thuyết và truyện ngắn của NXB bản Hà Nội (1993), Giải B của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2004), Giải nhất viết cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Giải nhất Cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức...