Nhà sách thời nay và độc giả
Tôi nhiều lần đến các hiệu sách một mình để tìm sách mới và hầu như không để ý xem những người vào hiệu sách là ai. Hôm ấy, tôi đưa đứa cháu ngoại 6 tuổi đi cùng. Tôi hỏi cháu thích đi hiệu sách không, cháu reo lên: Cháu thích đi hiệu sách lắm!
Ở khu nhà chung cư cao tầng HH bán đảo Linh Đàm, cạnh hồ Linh Đàm Hà Nội, chỉ trong một dãy các cửa hiệu, chiều dài không đến 20m, có đến 3 nhà sách: Nhà sách Kim Đồng, Nhà sách Đinh Tị, Nhà sách Nhã Nam. Ở nhà sách Kim Đồng, tất nhiên là rất nhiều độc giả trẻ em và các phụ huynh đưa cháu đi mua sách đều là bố mẹ trẻ. Tôi để ý đến gian sách có chủ đề: Sách tương tác và hỏi cháu bán sách: Sách tương tác là gì. Cháu bảo tôi: Đó là các sách mà độc giả trẻ có thể tương tác với sách. Trong sách có các hình con voi, con hổ, con mèo... Bấm vào nốt nhạc, tiếng con hổ gầm lên, bấm vào hình vẽ, thấy con hổ hiện ra, bước khoan thai. Hay quá! Mà sách không hề rẻ. Giá hơn 200 nghìn đồng/cuốn sách bìa cứng. Các cháu chưa biết chữ đều có thể xem và nếu tò mò, các cháu lần ra hết nội dung. Những sách truyện tranh, có những cách trình bày lạ và mới: Bìa sách trình bày ngược hoàn toàn cách trình bày truyền thống: Tên sách không thấy mà chỉ thấy giá sách và nhà xuất bản nào, nhà sách nào, ở địa chỉ nào.
Và số lượng xuất bản..., tôi trố mắt ra với những con số xuất bản: 20 nghìn bản, 30 nghìn bản. Còn tên sách được trình bày đẹp ở gáy sách. Trong khi đó, nhiều nhà thơ ta, một tập thơ chỉ in 300 cuốn để tặng nhau mà thôi.
NXB Kim Đồng, cái tên và logo truyền thống, nhưng tôi bất ngờ thấy rất nhiều loại sách về “Truyện Kiều” của NXB Kim Đồng và các nhà xuất bản khác không phải của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như NXB Văn học: Sách các nhân vật trong Truyện Kiều bằng tranh, sách các nhân vật Truyện Kiều tự kể về mình. Thì ra với một tác phẩm nổi tiếng như Truyện Kiều, người ta có thể sáng tác lại rất nhiều dạng khác nhau trên cơ sở vẫn là chủ đề ấy, nhân vật ấy và tính cách ấy. Như thế có nghĩa là: Phải có nhiều độc giả trẻ mới có những sách mới về Truyện Kiều như thế. Tôi không thấy tên các nhà văn quen biết Việt Nam trên giá sách, nhưng sách dịch cho thiếu nhi thì rất nhiều.
Tôi chú ý độc giả thì thấy rằng, các cháu đọc trên cầu thang, trên lối đi, trên sàn nhà và đọc ngay tại giá sách. Hầu như tôi không thấy người già tóc bạc.
Như vậy, nói văn hóa đọc thời nay kém sút đi rồi là rõ ràng chưa thật đúng. Người ta đọc kiểu khác chứ không phải đọc như truyền thống nữa, đọc trên đa phương tiện. Còn độc giả, toàn trẻ thôi. Các cháu biết tương tác với sách, biết đọc một hiểu mười. Thế là đọc kiểu văn minh hơn. Không biết công nghệ cao, không đọc sách kiểu mới được.
Nhà sách Đinh Tị có một cháu bán sách mới học ở ngành xuất bản ra. Cháu nói sách bây giờ khác xưa. Một cuốn sách dạng sách tương tác chẳng hạn thì NXB chỉ làm phần thủ tục pháp lý để đăng ký xuất bản, Phần trình bày và kỹ thuật tương tác phải là người biết công nghệ 4.0, công nghệ in và công nghệ hội họa, video..., có nghĩa là đến 70% công việc còn lại là của thời đại 4.0 và chi phí 70% ấy là để trả cho công nghệ mới.
Người già nên đọc sách thế nào
Đến Nhà sách Nhã Nam, sách cho người cao tuổi, tôi rất thích cách quảng bá sách trên giá: Sách kinh điển, sách cổ, sách văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Rất nhiều sách dịch của các nhà văn Pháp viết về văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người ta nói về văn hóa việt Nam rất hay, lạ và khác biệt. Số lượng xuất bản không hề nhỏ, hàng nghìn bản. Người nước ngoài hiểu văn hóa Việt từ đầu thế kỷ XX rất sâu sắc. Như vậy, các nhà sách đã trình bày sách theo lứa tuổi và người già nên tìm đến các nhà sách hoặc các gian sách phù hợp với mình: Sách hoài cổ.
Hôm Ngày thơ Việt Nam, tôi đến Đường sách, hỏi một cháu bán sách ở Nhà sách Tràng An về độc giả với sách văn học, sách văn học bán chậm và hàng năm, năm sau bán chậm hơn năm trước. Tôi có tập trường ca mới ra tháng 12/2022, dày đến hơn 600 trang, cuốn “Cảm ơn Người, sông Mekong”. Sách để trên giá của NXB Hội Nhà văn, suốt từ sáng đến trưa, không ai hỏi mua. Nhưng khi tôi là tác giả, đứng giới thiệu về sách của tôi, có đến ba người hỏi mua. Như thế, quảng bá tốt thì vẫn có người mua sách. Nhưng chẳng nhẽ nhà văn phải đến tất cả các nhà sách để giới thiệu sách của mình?
Qua những câu chuyện kể trên, có thể thấy rằng, độc giả ngày nay vẫn đọc sách và đọc nhiều nhưng không đọc theo kiểu truyền thống nữa. Cách cũ đọc chậm lắm và không thể hiện được đa phương tiện. Đó cũng là xu hướng tất yếu mà người viết cần chú ý để nắm bắt kịp văn hóa đọc trong bối cảnh mới.