Hành trình vươn ra biển lớn

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị đặt yêu cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, đóng góp to lớn cho sự phát triển chung của cả nước. Đổi mới cơ cấu kinh tế, tìm hướng đột phá từ biển, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại... đang tạo nên diện mạo mới cho những miền đất dư nắng gió, luôn phải đối diện trước thách thức từ thiên tai.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cẩu siêu lớn do DoosanVina Quảng Ngãi sản xuất đang hoạt động hiệu quả tại cảng Gemalink.
Hệ thống cẩu siêu lớn do DoosanVina Quảng Ngãi sản xuất đang hoạt động hiệu quả tại cảng Gemalink.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đánh giá: Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả.

Chính vì vậy, kể từ khi Nghị quyết số 26 ra đời, vùng duyên hải miền trung xác định phải tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại với những sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.

Tỉnh Quảng Trị là địa phương có quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh yếu, thu hút FDI còn hạn chế... Để thúc đẩy tăng trưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đang biến bất lợi thành lợi thế, tập trung hiện thực hóa ba trụ cột phát triển, trong đó công nghiệp năng lượng là lĩnh vực then chốt, tạo đột phá; nông nghiệp là bệ đỡ, và dịch vụ-du lịch là mũi nhọn.

Hiện Quảng Trị tích cực triển khai dự án xây dựng Cảng hàng không tại huyện Gio Linh, với quyết tâm hoàn thành thi công xây dựng và đưa dự án vào khai thác giai đoạn I từ tháng 7/2026, giúp Quảng Trị đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng để khai thác tiềm năng, lợi thế, đồng thời tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn, phục vụ phát triển công nghiệp xanh sạch, phục vụ quốc phòng an ninh, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ cũng như hợp tác quốc tế...

Hành trình vươn ra biển lớn ảnh 1

Một góc Khu kinh tế Dung Quất.

Những năm gần đây, từ điểm bất lợi là một vùng đất gió tây nam nóng rát, Quảng Trị ưu tiên tận dụng để phát triển điện gió, điện mặt trời. Riêng huyện miền núi Hướng Hóa hiện có 31 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đã và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.177 MW, trong đó có 19 dự án công suất phát điện thương mại hơn 671 MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành.

Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị tập trung phát triển kinh tế biên mậu với Lào qua hai cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo. Đồng thời, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, trọng tâm hình thành, phát triển trung tâm năng lượng với nhiều dự án năng lượng có quy mô lớn...

Quảng Nam cũng là tỉnh nêu cao quyết tâm trong cơ cấu lại các ngành kinh tế, ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam chia sẻ: Những năm tới, đối với Quảng Nam, kinh tế biển sẽ là động lực chính trong phát triển, mà Khu kinh tế mở Chu Lai là hạt nhân.

Các dự án ngành, lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025-2030 và sau năm 2030 sẽ là công nghiệp gắn với cảng biển và cảng hàng không Chu Lai, như công nghiệp ô-tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô-tô, cơ khí chế tạo. Khu kinh tế mở Chu Lai, sân bay Chu Lai là điều kiện thuận lợi, kết nối liên vùng với Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) tạo thành động lực phát triển kinh tế liên vùng của khu vực duyên hải miền trung.

Ông Nguyễn Hải Trường, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cho rằng: Nếu kết nối, hợp tác tốt, cả hai khu kinh tế biển hàng đầu của miền trung là Chu Lai và Dung Quất sẽ hỗ trợ nhau rất hiệu quả. Sân bay Chu Lai là điểm kết nối đường không, cảng nước sâu Dung Quất là điểm kết nối đường biển, các nhà máy lớn như Doosan, Hòa Phát, Lọc hóa dầu Bình Sơn trong Khu kinh tế Dung Quất... sẽ cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho các nhà máy sản xuất công nghiệp chế tạo lớn ở Chu Lai.

Kết hợp cả hai khu kinh tế này, sẽ là động lực cho các ngành công nghiệp khác cùng phát triển, mang lại nguồn thu lớn ngân sách cả Quảng Nam và Quảng Ngãi, tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho người dân hai địa phương và khu vực.

Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, các địa phương trong toàn vùng đang nỗ lực phát huy sức mạnh từng địa phương, đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng... để xây dựng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển.

Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng đã xác định vai trò quan trọng của thành phố Đà Nẵng. Theo đó, Đà Nẵng được giao các nhiệm vụ và vai trò chủ chốt là trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực miền trung-Tây Nguyên, là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; đóng vai trò trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, logistics, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn, hiện đại và đáng sống hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước.

Từ thực tế triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của từng địa phương, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đang hình thành các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao trước thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả biến đổi khí hậu. Đây cũng là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm.

Với vị thế, tầm vóc mới, vùng Duyên hải Trung Bộ đang dần định hình hướng phát triển mới từ kinh tế biển, vươn lên tầm quốc tế trong tương lai không xa.