1 Những ngày cuối tháng 11/2024, cây cầu Rạch Đỉa bắc qua con rạch cùng tên đã được thông xe. Việc di chuyển từ Nhà Bè qua Quận 7 và ngược lại đã không còn vất vả như xưa. Dự án cầu Rạch Đỉa hoàn thành cũng mở đầu cho 60 ngày đêm cao điểm của ngành giao thông thành phố để về đích nhiều gói thầu giao thông quan trọng, nhằm đưa vào phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán 2025.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, chuyển đổi số và cải cách hành chính trở thành nhiệm vụ then chốt nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết, thành phố đang sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy để hệ thống hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Có thể nói, việc đưa Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc sống đã mang lại sức bật mới cho thành phố.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp-Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 98 đã đưa ra 44 cơ chế đặc thù. Trong đó có 29 cơ chế đã được thành phố áp dụng và bước đầu đạt kết quả với 20 cơ chế, còn lại chín cơ chế đang trong quá trình thực hiện. Thành phố đề xuất các vị trí áp dụng mô hình phát triển đô thị theo trục giao thông (TOD), thúc đẩy các dự án đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực y tế-giáo dục, thực hiện dự án BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) đối với các tuyến đường hiện hữu.
Thành phố đã bố trí 3.794 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo và đã có hàng chục nghìn lượt khách hàng vay vốn; bố trí 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, thành phố đã ban hành 23 danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP trong ngành văn hóa và thể thao...
Hằng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu vào ngân sách của cả nước. Trong định hướng phát triển kinh tế của thành phố, ngành công nghiệp với vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao được chuyển đổi theo hướng gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Thuận cho biết, thành phố đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án và đã có 23 dự án được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua danh mục đầu tư, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp thể dục-thể thao quốc gia Rạch Chiếc, Khu Trường đua Phú Thọ… Các dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai.
2 Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho thành phố đến năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2045 là thành phố có nền công nghiệp hiện đại ngang bằng các thành phố lớn trong khu vực và vươn tầm châu lục, với nhiều chỉ tiêu lớn và cụ thể.
Để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược đã đặt ra, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, thành phố chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.
Đường hoa xuân Phú Mỹ Hưng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT THỊNH |
Trong 5 năm gần đây, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực công nghiệp của thành phố đang đứng trước nhiều thách thức: Gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; một số công nghệ đã lạc hậu bởi được đầu tư từ hơn 30 năm trước; sự phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp...
Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh” khẳng định, chuyển đổi công nghiệp của Thành phố theo hướng gắn kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Thành phố tiếp tục tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của mình vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.
3 Ngày 17/8/2024, Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự đón Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm và làm việc. Trong chuyến đi này, Tổng Bí thư đã gửi gắm và tin tưởng vào sự vươn mình của thành phố trong thời gian tới. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, tương lai của thành phố mang tên Bác phải là thành phố toàn cầu, phát triển theo hướng đô thị thông minh, hiện đại, năng động hội nhập, tăng trưởng xanh bao trùm và bền vững, xã hội gắn kết, mở rộng, văn minh, kết tinh các giá trị tiên tiến của các nước trên thế giới.
Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả hệ thống chính trị cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của thành phố với cả nước, cả vùng Đông Nam Bộ, từ đó cần có sự đoàn kết, thống nhất cao hơn nữa, quyết tâm chính trị mạnh hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua những thách thức.
Với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang, Thành phố Hồ Chí Minh luôn biết cách vượt qua những khó khăn, trở ngại bằng chính sức trẻ, sự năng động và sáng tạo của mình. Việc phát huy những truyền thống tốt đẹp ấy cùng sự ủng hộ, vun đắp của Trung ương, các bộ, ngành, và nhân dân cả nước, tin chắc rằng, Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc, tiếp tục dệt nên những mùa xuân mới.