Xác định vai trò, vị thế của vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, năm 1996, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Quốc hội xem xét việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, do chưa hội tụ đủ các điều kiện nên chưa được thông qua. Từ đó đến nay, Bộ Chính trị đã bốn lần ban hành các văn bản: Kết luận số 48, ngày 25/5/2009; Thông báo số 175, ngày 1/8/2014; Nghị quyết số 26, ngày 3/11/2022; Đặc biệt, ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhấn mạnh đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Ngày 13/9/2024, tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở tỉnh Thừa Thiên Huế có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế trong thời kỳ mới; góp phần hiện thực hóa các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 28/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tán thành, thống nhất với nội dung cơ bản nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Trường Lưu cho biết: “Thừa Thiên Huế sẽ tạo động lực và sức mạnh mới để đóng góp vào sự phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén sẽ giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn phát triển, tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước”.
Đến nay, mô hình đô thị Huế theo hướng di sản, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường đã hình thành, phát triển các trung tâm về văn hóa du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt nhiều kết quả quan trọng, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, môi trường, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh được giữ vững.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương nhìn nhận: “Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ hơn. Khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ được tự chủ hơn về ngân sách tài chính, được thụ hưởng chính sách đặc thù hướng đến trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Việt Nam”.
Huế là cửa ngõ của Hành lang kinh tế Đông-Tây; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền trung và là nơi có vị trí trọng điểm về quốc phòng-an ninh của cả nước. Thừa Thiên Huế cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á có tám di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có sáu di sản của riêng Huế.