Xây dựng đô thị xanh, ứng phó biến đổi khí hậu

Dự án Phát triển đô thị ven biển miền trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) nhằm phát triển hệ thống các đô thị ven biển miền trung theo đúng định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Chính phủ phê duyệt.
0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Đông Hà của tỉnh Quảng Trị đang được xây dựng thành đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thành phố Đông Hà của tỉnh Quảng Trị đang được xây dựng thành đô thị xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Mục tiêu của dự án nhằm góp phần xây dựng thành phố Đông Hà thành đô thị xanh, ứng phó biến đổi khí hậu theo đúng mục tiêu quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị phê duyệt.

Theo Ban quản lý dự án, dự án có thời gian thực hiện đến năm 2027, mục tiêu cụ thể nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đô thị, bảo đảm tăng trưởng xanh và ứng phó trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống bền vững cho người dân đô thị; xây dựng các hệ thống thoát nước, kè các tuyến kênh chính, các con sông nhằm khơi thông và mở rộng dòng chảy, chống ngập úng, sạt lở; duy trì đa dạng sinh học riêng cho dòng nước thiên nhiên, giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, lấn chiếm dòng chảy; tăng cường công tác quản lý đất đai và trật tự đô thị; nâng cấp hạ tầng các khu vực dân cư có thu nhập thấp, đầu tư hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, hoàn thiện hệ thống giao thông tiểu khu nhằm cải thiện đời sống; hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị, tạo ra không gian, cảnh quan đô thị hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong cộng đồng dân cư về dự án và ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Phát triển đô thị ven biển miền trung hướng đến tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Đông Hà cho biết, phạm vi đầu tư dự án được nghiên cứu trên chín phường của thành phố Đông Hà.

Đây là khu vực đô thị cũ, trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của thành phố Đông Hà và tỉnh Quảng Trị, nơi đang đặt tất cả những cơ quan, đơn vị đầu não của tỉnh và thành phố Đông Hà cho nên khi gặp các vấn đề ngập lụt, mưa bão hay ô nhiễm vệ sinh môi trường có thể tác động trực tiếp đến các cơ quan nêu trên, gây ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành hoạt động của cả tỉnh.

Theo đó, dự án đầu tư công trình kè Hói Sòng thuộc phường Đông Giang và phường Đông Thanh; công trình kè bờ tây sông Thạch Hãn và bờ bắc sông Vĩnh Phước thuộc phường Đông Lễ và Đông Lương nhằm ngăn chặn, hạn chế sạt lở bờ sông, ứng phó tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tránh thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; công trình cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Trung Chỉ thuộc phường Đông Lương được đầu tư nhằm khơi thông và mở rộng dòng chảy, điều hòa lượng nước mưa, chống ngập úng, chống sạt lở, ứng phó tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; công trình cải tạo hệ thống thoát nước hạ lưu hồ Khe Mây thuộc phường 3 trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết; công trình nâng cấp hạ tầng nam sông Hiếu thuộc phường 1 và phường 3 nhằm nâng cấp hạ tầng đô thị, cảnh quan môi trường đô thị; chống sạt lở, bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ dân cư theo hướng phát triển bền vững, tạo không gian có cảnh quan hiện đại.

Một công trình ý nghĩa nữa của dự án là cải tạo các khu thu nhập thấp toàn bộ các phường của thành phố Đông Hà. Giải quyết hiện tượng ngập úng của các khu vực dân cư, khơi thông dòng chảy, đầu tư hệ thống cống rãnh dẫn nước khu vực trũng thấp ra cửa xả; tăng khả năng chống chịu các hiện tượng khí hậu cực đoan, tạo không gian, cảnh quan đô thị hiện đại, phù hợp tiêu chí đô thị loại II của thành phố Đông Hà.