Bước đột phá của doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam

Thực hiện chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, những năm qua, nhiều doanh nghiệp quốc phòng đã phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu các sản phẩm quốc phòng và kinh tế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) tích cực nghiên cứu, cải tiến thiết kế sản xuất sản phẩm áo trang bị K23.
Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) tích cực nghiên cứu, cải tiến thiết kế sản xuất sản phẩm áo trang bị K23.

Cuối năm, khi sắc xuân đã ùa về trên khắp các con đường, ngõ phố, làng quê, đến công tác tại Nhà máy Z131 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc sôi động, khẩn trương của cán bộ, công nhân, người lao động đơn vị thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất trong năm.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Là doanh nghiệp có nhiệm vụ sản xuất các loại đạn chống tăng, các loại lựu, mìn phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân, những năm qua, Nhà máy Z131 đã phát triển thành doanh nghiệp có quy mô lớn, với doanh thu hằng năm đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thi, Giám đốc Nhà máy Z131 cho biết: Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, nhà máy gặp không ít khó khăn; nhất là, trang, thiết bị máy móc còn lạc hậu; việc sản xuất hàng quốc phòng theo đặt hàng không đều; chưa có cơ chế, chính sách phối hợp sản xuất hàng lưỡng dụng... Song, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, Đảng ủy, chỉ huy nhà máy đã đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, chủ động khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp; trong đó coi trọng đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất được xác định là khâu đột phá, giải pháp quan trọng hàng đầu. Nhà máy tích cực tham gia các chương trình khoa học công nghệ chế tạo vũ khí và nâng cao chất lượng vũ khí do công nghiệp quốc phòng sản xuất; thực hiện tốt các đề tài nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.

Ngoài sản xuất quốc phòng, nhà máy còn tham gia sản xuất một số sản phẩm kinh tế, lấy hiệu quả kinh tế để duy trì đội ngũ và phát triển năng lực sản xuất quốc phòng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, nhà máy đã chủ động đầu tư các trang, thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh tế, như: dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương chất lượng cao; dây chuyền cơ khí xuất khẩu và sản phẩm phụ trợ; các dây chuyền mạ crom-niken, đúc áp lực, sơn tự động, hàn robot…

Đặc biệt, để nâng cao năng suất lao động, nhà máy đã tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, áp dụng mô hình và cách thức trả lương cho người lao động theo phương pháp 3P (căn cứ vào vị trí công tác; năng lực của người lao động và hiệu quả công việc), với tinh thần người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít hưởng ít, khắc phục tình trạng cào bằng.

Công nhân Phạm Thị Ngọc Thủy, thuộc Xí nghiệp bao bì nhựa cho biết: Những năm qua, Nhà máy luôn bảo đảm tốt công ăn việc làm cho người lao động. Nhất là năm 2021-2022, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, công nhân không có việc ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà máy vẫn bảo đảm tốt việc làm cho người lao động, lương bình quân từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, nhân dịp lễ, Tết, nhà máy đều có quà tặng người lao động. Tết năm nay, nhà máy dự kiến sẽ thưởng Tết hơn 30 triệu đồng/người.

Được biết, trung bình hằng năm, doanh thu từ sản xuất kinh tế của nhà máy chiếm từ 40 đến 50%; nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, các sản phẩm cơ khí phục vụ phòng cháy, chữa cháy đã tiếp cận được thị trường Hàn Quốc và châu Âu; các sản phẩm cơ khí chính xác xuất khẩu sang thị trường: Đan Mạch, Mỹ…; vật liệu nổ công nghiệp phục vụ phá đá, khai thác mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu sang các nước Indonesia, Lào, Australia…

Với thành tích nêu trên, năm 2023, Nhà máy Z131 là đơn vị duy nhất của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; hai năm liền 2023, 2024, nhà máy được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tặng danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.

Bước đột phá của doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam ảnh 1

Công nhân Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) kiểm tra sản phẩm lều xuất khẩu. Ảnh: Nhà máy Z176 cung cấp

Biến thách thức thành cơ hội để phát triển

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm ngụy trang, nghi trang cho Quân đội cùng các sản phẩm kinh tế phục vụ dân sinh và xuất khẩu; những năm qua, nhà máy vừa thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, góp phần duy trì, phát triển tiềm lực quốc phòng, vừa đẩy mạnh sản xuất hàng kinh tế xuất khẩu.

Đại tá Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z176 cho biết, các sản phẩm quốc phòng của nhà máy rất cần thiết trong tác chiến hiện đại. Nhà máy đã chủ động phối hợp với các quân, binh chủng nghiên cứu, thiết kế và sản xuất nhiều sản phẩm ngụy trang, nghi trang, qua thử nghiệm trong diễn tập, đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại; nhiều sản phẩm có tính thực tiễn cao, thay thế sản phẩm nhập khẩu, giữ được bí mật quân sự, như: Các loại lưới ngụy trang phù hợp địa hình, các mô hình máy bay, hệ thống tạo giả tổ hợp tên lửa phòng không thế hệ mới, được các đơn vị sử dụng đánh giá cao.

Bên cạnh đó, do hằng năm, số lượng sản phẩm quốc phòng đặt hàng không nhiều, để khai thác hiệu quả dây chuyền thiết bị được đầu tư, nhà máy đã chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm kinh tế xuất khẩu. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhà máy đã tập trung vào tối ưu hóa, hợp lý hóa sản xuất, đầu tư các trang, thiết bị hiện đại, mở rộng mặt bằng nhà xưởng, phát triển sản phẩm, thị trường, bạn hàng mới, đẩy mạnh thương mại điện tử; mỗi năm đã sản xuất được gần 100 triệu sản phẩm xuất khẩu các loại, nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, bảo đảm yếu tố: đẹp, bền, rẻ, tiện dụng, thân thiện với môi trường, tạo được uy tín trên thị trường thế giới.

Tổ trưởng sản xuất Phân xưởng A3 Dương Minh Đức cho biết: Ở những thời điểm khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, nhưng Nhà máy Z176 vẫn luôn bảo đảm việc làm cho người lao động với thu nhập bình quân năm 2024 đạt 13,7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, nhà máy còn duy trì tiền thưởng tặng công nhân vào dịp sinh nhật, ngày lễ và thưởng Tết, bình quân hơn 20 triệu đồng/người.

Được biết, mỗi năm Nhà máy Z176 phát triển thành công hơn 60 sản phẩm mới, ngoài bạn hàng truyền thống là Tập đoàn IKEA (Thụy Điển), nhà máy còn phát triển thêm nhiều khách hàng mới, như: Tập đoàn Decathlon (Pháp); Polyconcet (Mỹ); Bikezac (Đan Mạch). Năm 2018, lần đầu tiên, doanh thu xuất khẩu của nhà máy vượt mốc 1.000 tỷ đồng; dự kiến năm 2024 doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

Hiện nay, sản phẩm của nhà máy đã xuất hiện trên thị trường tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những thị trường khó tính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản... Nhiều năm liền, Nhà máy Z176 được Bộ Công thương xếp hạng “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Nhà máy lọt vào tốp 10 doanh nghiệp Quân đội tiêu biểu, được Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam tặng danh hiệu “Sao vàng đất Việt”.