Tinh thần không chịu khuất phục
Thiên tai khó lường. Bão lũ năm nào cũng gây ra hậu quả nặng nề, gieo tai họa xuống xóm làng bình yên, thậm chí còn biến những khu dân cư thành “vùng đất chết”. Song, dù là người dân ở miền núi, miền biển, hay đồng bằng, đều có trong mình sự chịu thương chịu khó, bền bỉ, bám đất bám làng, trở thành tấm khiên chắn bão gió, giúp cho mỗi vùng đất, xóm bản hồi sinh.
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) là mảnh đất hội tụ cả tinh thần kiên cường của người dân, sự chung lòng của cộng đồng. Giờ hoa đang nở trên lối vào thôn, hoa màu đang trổ xanh trên nương rẫy. Những em bé mặc áo mới vui vẻ đến trường. Vài em bé bị thương nặng, điều trị dài ngày cũng đã xuất viện và trở lại lớp học.
Điều đặc biệt, những ngôi nhà như đóa hoa núi, đang “nở” trên khu đất tái định cư, cách nơi ở cũ của người dân không xa. Kế hoạch tái thiết, xây dựng nhà cửa, giúp bà con ổn định cuộc sống đã được thực hiện nhanh chóng sau trận lũ quét, những ngôi nhà khang trang đã được bàn giao. Ngôi làng mới làm dịu bớt nỗi đau và thắp lên hy vọng về cuộc sống mới hồi sinh mạnh mẽ.
Nhìn lá cờ phấp phới trên nóc nhà, bà Hoàng Thị Đạt rưng rưng: “Năm nay chúng tôi được đón Tết trong nhà mới. Chúng tôi sẽ không phải lo thiếu điện nước, cũng sẽ vững tâm khi mùa mưa bão tới. Nhưng nói vậy, làm sao hết nhớ thương người thân, người làng gặp nạn do lũ quét…”.
Bà Đạt cùng người dân xã Phúc Khánh, cũng như người dân cả nước, sẽ chẳng thể nào quên trận lũ quét kinh hoàng (do hoàn lưu bão số 3 gây ra), khiến 37 hộ dân với 158 nhân khẩu thôn Làng Nủ mất nhà cửa và nhiều người không bao giờ về nữa. Trong mỗi người hẳn đều có một suy nghĩ, mất mát đó là khủng khiếp, quá sức chịu đựng, nhưng người còn sống vẫn phải gượng dậy. Bởi phía trước họ, vẫn còn tương lai, còn ngày mai.
Chúng tôi gặp lại ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ, sau gần ba tháng xảy ra sự việc kinh hoàng. Đôi mắt người đàn ông rắn rỏi ấy như vẫn còn nỗi ám ảnh. Ông Diệp cho biết, chưa bao giờ làng quê bình yên của mình phải đối mặt một trận thiên tai ác nghiệt đến thế. “Nhưng đúng như tinh thần vươn lên, ai cũng sẽ cố gắng bởi người dân tin rằng còn chồi sẽ nảy cây”, ông Diệp tin tưởng vậy.
Theo dọc dài đất nước, có nhiều nơi gặp thảm cảnh thiên tai đã “rũ bùn đứng dậy” giống thôn Làng Nủ. Như làng Ông Đề, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) bị lũ ống vào năm 2020, và nhiều ngôi làng khác nữa. Riêng bão số 3 đã khiến nhiều xóm, làng chịu cảnh mất mát mà các cơ quan chức năng thống kê được là gần 300 nghìn ngôi nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hỏng; nhiều tài sản bị cuốn trôi. Nhưng tất cả đang dần hồi sinh.
Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ vườn hoa Lâm Vy, xã Phụng Công (Hưng Yên) khôi phục nhà vườn phục vụ Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: VĂN HỌC |
Bàn tay chữa lành vết thương
Cữ này, cánh đồng, nhà vườn của làng Xuân Quan và Phụng Công, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) đang rực rỡ sắc hoa. Những “mẹ hoa” không để đất trống, đã chuẩn bị rất kỹ để có vụ hoa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ vườn hoa Lâm Vy, làng hoa Phụng Công, xã Phụng Công, ví von: “Bão lũ đã làm vườn hoa khô héo, như vết thương của làng xã, của bãi bồi. Đôi bàn tay người dân sẽ chữa lành, chăm sóc những vết thương ấy”.
Cùng là người làng hoa Xuân Quan, bà Lê Thị Thẩm vừa cẩn thận tách những cây cẩm chướng non trồng vào các chậu nhỏ, vừa nghĩ đến việc khách đã đặt hơn một nghìn chậu mà mừng trong bụng. Chuyện cộng sinh của người trồng với các thương lái, khách hàng tạo nên sự sôi động và sức sống cho mỗi làng hoa. Người trồng hoa vất vả hơn nuôi con mọn. Nếu trước bão, họ vất vả một thì sau bão, vất vả gấp nhiều lần. Thành quả là sẽ có nhiều chuyến hàng hoa chuyển đến các tỉnh, thành phố, góp phần làm nên mùa xuân an vui.
Xuân cũng đang về với huyện Vân Đồn và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Những vùng nuôi đã nhộn nhịp trở lại. Sau cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh khẩn trương triển khai chính sách giao biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản, nhằm nhanh chóng khắc phục thiệt hại, khó khăn sau bão. Ngay sau khi người dân nhận phần diện tích được giao, họ xắn tay vào sửa chữa bè, lồng, phương tiện nuôi thả, đầu tư mua giống, tích cực sản xuất.
Anh Phạm Văn Thân, ngư dân có thâm niên 10 năm nuôi trồng thủy sản tại huyện Vân Đồn, vui mừng cho biết: “Gia đình tôi đã được nhận hơn 5.000 m2. Việc bàn giao diện tích mặt biển giống như cấp sổ đỏ đất liền, người dân sẽ yên tâm vay vốn, đầu tư nuôi trồng”.
Nhìn nhận ở góc độ nhà quản lý, ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vân Đồn cho rằng, sự quyết tâm làm lại từ đầu, vươn lên sau thảm họa của người dân có sự chung tay, đồng hành của chính quyền, nhiều cơ quan. Các ngân hàng đã giãn nợ, cơ quan chức năng nỗ lực xác nhận sơ đồ giao biển, đánh giá tác động môi trường, với tinh thần khẩn trương, giúp vùng biển hồi sinh.
Những quả phao nhựa HDPE như những đóa hoa xếp hàng trên mặt biển. Trên các bè lồng ở vùng nuôi trồng đang nhộn nhịp không khí sản xuất. Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch khoảng 45.200 ha mặt biển dành cho phát triển nuôi trồng thủy sản và sẽ còn phát triển thêm nữa, hướng tới phát triển bền vững nghề nuôi biển. Việc giao lại mặt nước trên cơ sở quy hoạch vùng, có đánh giá tác động môi trường, giúp người dân phát triển, hình thành các “cụm công nghiệp nuôi biển” là chủ trương được ngư dân ủng hộ.
Mỗi vùng đất bị thiệt hại với mức độ khác nhau, nhưng giống nhau ở khía cạnh người dân mau chóng bắt tay vào dọn dẹp để chuẩn bị cho cuộc chuyển mình. Trong quá vãng, cũng chính những nơi bão lũ đi qua, đã từng chằng chịt vết thương, và được chữa lành bằng sức mạnh nội sinh của mỗi cư dân cùng sự đồng lòng góp sức của đồng bào khắp mọi miền đất nước.