Hành trình chia sẻ yêu thương

Trên thế giới, đã có người đi xe máy, hoặc xe đạp qua nhiều quốc gia với quãng đường rất dài nhằm mục đích khám phá hay du lịch, nhưng thực hiện một hành trình đi bộ dài 15.000km từ Thụy Sĩ đến Philippines, kéo dài từ năm 2021 đến năm 2023, của công dân Thụy Sĩ Thomas Kellenberger thì hiếm thấy.
0:00 / 0:00
0:00
Thomas Kellenberger (phải) và bạn đồng hành cùng bản đồ hành trình đi bộ từ Thụy Sĩ đến Philippines.
Thomas Kellenberger (phải) và bạn đồng hành cùng bản đồ hành trình đi bộ từ Thụy Sĩ đến Philippines.

Chuyến đi đặc biệt của cựu cảnh sát Kellenberger còn hướng tới một mục tiêu nâng cao nhận thức của xã hội về hoàn cảnh khó khăn của trẻ em đường phố, bị lạm dụng ở quốc đảo Philippines. Thomas Kellenberger năm nay 41 tuổi, là người đồng sáng lập Island Kids Philippines (IKP) - một tổ chức hỗ trợ trẻ em ở thành phố Cagayan de Oro (Philippines). Việc lập quỹ từ thiện nói trên khởi thủy từ chuyến du lịch Philippines của Thomas cùng người mẹ giàu lòng nhân ái. Tại đây, Thomas thấy ở Philippines có quá nhiều trẻ em trong các gia đình nghèo phải kiếm sống bằng việc bới tìm phế liệu trên các “núi” rác hôi hám, hoặc bị bạo hành gia đình và lạm dụng tình dục, đồng thời không có điều kiện học hành. Thomas đã bị sốc khi còn được mời chào sử dụng dịch vụ mại dâm với trẻ em gái.

Trở về Thụy Sĩ, được truyền cảm hứng từ sự cảm thông và chia sẻ cùng cộng đồng của người mẹ, Thomas Kellenberger đã sáng lập IKP và tìm mọi nguồn hỗ trợ để giúp trẻ em nghèo ở Philippines có cơ hội học tập, đồng thời nâng cao nhận thức của xã hội với những mảnh đời khó khăn. IKP đã được nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân Thụy Sĩ ủng hộ, quyên góp tiền của. Để chuyên tâm thời gian vào hoạt động của IKP, Thomas đã xin nghỉ công việc đang yên ổn tại cơ quan cảnh sát ở quê hương mình.

Với lợi thế là cựu cảnh sát và thạc sĩ ngành xã hội học, Thomas đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thực trạng xã hội, qua đó giúp các trẻ em hồi phục sau tổn thương thể chất và tinh thần. Đặc biệt, nhiều tình nguyện viên của IKP cũng từng là nạn nhân của nạn buôn người và bạo lực, đều làm việc không lương. Còn mọi nguồn ngân sách, tài trợ đều sử dụng cho các dự án. Đến nay, IKP đã trải qua 15 năm hoạt động và đạt kết quả khả quan: Đã xây một ngôi làng trẻ em và hai trường học tại Cagayan de Oro, dạy học cho hơn 1.000 trẻ em nghèo, trong đó đa phần là các em phải mưu sinh giúp gia đình bằng việc bới rác tìm phế liệu để bán. Trong số này có khoảng 80 em cần tới sự chăm sóc toàn diện. Ngày nay, nhiều đứa trẻ được Tổ chức IKP nuôi dạy ở đây đã trưởng thành và có việc làm.

Với mong muốn gây thêm quỹ từ thiện 165.000USD để xây ngôi làng trẻ em thứ hai của IKP tại Philippines, Thomas và một người bạn đã tiến hành chuyến đi bộ xuyên qua nhiều quốc gia, dài 15.000km, khởi đầu từ ngày 25/8/2021 tại thành phố Interlaken ở Thụy Sĩ. Thomas Kellenberger trải lòng: “Hành trình của tôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhiều người bạn đã cảnh báo những khó khăn vất vả khó lường trong chuyến đi này. Nhưng tôi vẫn quyết tâm”.

Thomas Kellenberger đã trải qua 13.000km đường bộ trước khi dừng chân tại Việt Nam. Vừa đặt chân tới Việt Nam, anh cũng đã được những người dân địa phương vùng núi phía bắc chào đón thân tình, hỗ trợ nơi ăn, chốn ở. Nhận xét về hành trình đặc biệt này của Thomas Kellenberger, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass tỏ lời thán phục: ‘’Trong khi trên thế giới có nhiều phương tiện giao thông hiện đại, thì anh ấy lại chọn cách đi bộ với một hành trình rất dài và nhiều gian nan. Anh ấy đã tạo nguồn cảm hứng lớn về sự chia sẻ cộng đồng trong cuộc sống của chúng ta…’’.

Còn Thomas Kellenberger bày tỏ rất khiêm tốn: ‘’Với hành trình đi bộ xuyên các quốc gia này, tôi không muốn đạt được một kỷ lục nào, hay một danh hiệu nào, và cũng không muốn là một người hùng, mà đơn giản chỉ vì những đứa trẻ ở Philippines đang sống trong cảnh nghèo khó và mong thay đổi cuộc sống”.

Với hành trình đi bộ xuyên các quốc gia dài 15.000km này, Thomas Kellenberger muốn truyền tải một thông điệp: ‘’Trên thế giới, giữa các quốc gia đều có hàng rào biên giới. Nhưng trên bản đồ của cuộc hành trình này chứng tỏ không có một rào cản nào trong việc sẻ chia với những số phận yếu thế”.