Lấy tên từ chính giải thưởng Bùi Xuân Phái, tác phẩm thứ hai vừa ra mắt độc giả Thủ đô tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). Chia sẻ với Thời Nay, tác giả cho biết, cuốn sách lần này thêm một bước “hiện thực hóa” tình yêu Hà Nội thông qua đề xuất nhiều ý tưởng tâm huyết về bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Phóng viên (PV): Trong cuốn sách lần này, trọng tâm nói về các công trình kiến trúc và đề cập tới rất nhiều điều khác về di sản Hà Nội mà ông yêu mến. Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ về những điều đó?
Tác giả Martín Rama: Có một điểm chung giữa cuốn sách lần này tiếp nối tác phẩm trước, đó là nó đề cập tới khái niệm di sản. Khái niệm di sản cũ hầu như chú trọng vào các giá trị kiến trúc và lịch sử của các công trình. Như thế khái niệm này bị bó hẹp và thành phố giống như một bảo tàng thiếu sống động. Đối với tôi, di sản là một điều tổng hòa của nhiều yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Hà Nội với các thành phố khác. Cuộc sống của con người trong các khu nhà cũ, những đường phố ồn ào, bề bộn nhưng lại thú vị, hay các công trình có thể không hẳn quá đặc biệt về giá trị kiến trúc, lịch sử như những biệt thự kiểu Pháp, hay khu tập thể phong cách Liên Xô (trước đây), những cây cầu, khu chợ hay quán cà-phê… lại tạo nên một không khí rất riêng của Hà Nội. Nhiều người nước ngoài bị hấp dẫn chính bởi phong cách đặc biệt đó. Nếu Hà Nội có thể vừa hiện đại hóa, vừa giữ lại được những di sản đặc sắc đó thì sẽ trở thành địa danh cuốn hút hơn rất nhiều.
PV: Với tình yêu Hà Nội bằng cả trái tim lẫn khối óc, ông đã giới thiệu về dự án lớn để bảo vệ cái “hồn nơi chốn” bằng mô hình bảo tồn có lợi nhuận cao. Xin ông chia sẻ về dự án này?
Tác giả Martín Rama: Dự án mà tôi muốn thực hiện không chỉ là đầu tư, tôn tạo và thu lợi trở về từ di sản. Nó mang nghĩa rộng hơn liên quan tới nhiều hoạt động, như một số nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng thông qua việc lan tỏa kiến thức về di sản như hoạt động tọa đàm, một số hướng tới xây dựng thành công một mô hình mới và kiểu mẫu về bảo tồn di sản để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách, một số hoạt động hướng tới việc thu hút nhiều nhà đầu tư thành lập quỹ tư nhân để bảo tồn di sản… Có thể lấy thí dụ như khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội là một điển hình của việc vừa bảo tồn vừa sinh lợi nhuận cao. Một số hoạt động có thể thành công và cũng có thể thất bại, nhưng quan trọng là không ngừng tìm cách và kiên trì mục tiêu.
PV: Thời gian dài sống tại Hà Nội trong vai trò kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chắc chắn ông có những mối quan hệ và hợp tác nhiều với các cấp chính quyền, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Những điều này đem lại cho ông lợi thế gì khi thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản Hà Nội?
Tác giả Martín Rama: Có một điều quan trọng đó là sự kết nối mạng lưới những người yêu và có khả năng đóng góp cho hoạt động bảo tồn di sản như các nhà chức trách, những nghệ sĩ, các mạnh thường quân, công chúng… Chúng ta cần tạo nên sự thấu hiểu từ các bên, trước hết là nhà chức trách của thành phố, đặc biệt trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, hạ tầng… Sau đó, ý thức của công chúng cũng cần phải được quan tâm. Những cuốn sách về Hà Nội, các buổi tọa đàm như hôm nay, sự giúp sức từ các nhà trí thức, nhà báo, nghệ sĩ… chính là để cộng đồng hiểu khả năng sinh lợi và trân trọng hơn giá trị di sản Thủ đô. Đã có một số doanh nghiệp lớn liên hệ với tôi, cho thấy tầm nhìn của họ về tiềm năng của các di sản, bày tỏ nguyện vọng muốn đóng góp nhiều hơn cho thành phố này. Càng có nhiều người hiểu và muốn đóng góp, cơ hội cho di sản Hà Nội càng lớn.
PV: Ông đã dành rất nhiều thời gian, công sức và bỏ cả tiền túi cho dự án của mình cho Hà Nội. Có khi nào ông nghĩ cần tìm các cộng sự để tham gia và kế thừa những gì mình đã và đang thực hiện?
Tác giả Martín Rama: Để ra mắt cuốn sách lần này, tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ những người bạn Việt Nam, như chị Quyên, đồng nghiệp của tôi ở WB, dịch giả trẻ Nguyễn Băng Ngọc và anh Đỗ Kim Cơ, Giám đốc Tri Thức Trẻ Books… Họ cũng giúp tôi rất nhiều trong dự án của mình. Tôi không còn trẻ để có thể làm việc này mãi và nhận ra có rất nhiều điều đã thay đổi tốt hơn trong nhiều năm qua. Trong đó, có việc ngày càng có nhiều người trẻ nghĩ về di sản như tôi. Hơn nữa, cũng có nhiều hơn những người có điều kiện kinh tế muốn tham gia việc này. Tôi muốn thí điểm một mô hình tiên phong là khối nhà bao gồm vài biệt thự Pháp cổ, cải tạo đẹp mắt, giải phóng không gian chung quanh cho những nhà hàng, cửa hiệu và phòng trưng bày nghệ thuật cao cấp. Đó cũng có thể là một khu tập thể được nâng cấp, như căn hộ trong khu tập thể mà tôi đang ở là một thí dụ, nó được hiện đại hóa hoàn toàn bên trong nhưng bên ngoài vẫn mang dáng vẻ hấp dẫn, đặc trưng nguyên bản. Với việc giá căn hộ tập thể sau cải tạo của tôi tăng lên, chính bản thân mình đang là người được hưởng lợi từ cách bảo tồn di sản cũ này. Ở Việt Nam, cứ mô hình nào tốt và sinh lợi là sẽ được học hỏi nhanh chóng, nên tôi hy vọng những ý tưởng và dự án kiểu mẫu của mình sẽ được lan tỏa rộng hơn.
PV: Xin chân thành cảm ơn những ý kiến của ông!