Hà Nội huy động tổng lực chống lũ

Bão số 3 và mưa lũ những ngày qua khiến nhiều nhà cửa, diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, ao nuôi trồng thủy sản của người dân ngoại thành Hà Nội bị hư hỏng, ngập úng. Tại khu vực nội thành, sinh hoạt của người dân các phường ngoài đê sông Hồng bị đảo lộn vì nước sông dâng cao, tràn vào các khu dân cư. Thành phố Hà Nội đang huy động tổng lực chống mưa, lũ.
Ngập sâu tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Ngập sâu tại xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

1/Ngay sau ảnh hưởng nghiêm trọng cơn bão số 2, nhất là tác động trực tiếp từ lũ rừng ngang gây ngập lụt kéo dài cuối tháng 7, đầu tháng 8, đến nay các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất lại tiếp tục gánh chịu hậu quả nặng nề từ cơn bão số 3. Không ít hộ gia đình vừa mới khôi phục sản xuất lại bị siêu bão tàn phá. Chị Nguyễn Thị Ngọ ở xã Cấn Hữu đang dầm mình dựng thẳng những khóm lúa nặng trĩu hạt bị gió quật gãy đổ để buộc túm lại, chia sẻ, gia đình chị có chín sào lúa thơm chất lượng cao sắp đến ngày thu hoạch. Vụ trước, ruộng lúa nhà chị được mùa, bán được giá cao, cho nên gia đình rất mong chờ vụ thu hoạch này sẽ có thêm tiền lo cho con cái đầu năm học mới. Lúa tốt, chỉ còn hơn 20 ngày là có thể gặt được thì siêu bão quét qua làm úng ngập, gãy đổ quá nửa diện tích. Không chịu đứng nhìn thành quả sắp đến ngày gặt hái trôi mất, dù mưa gió, chị vẫn cố gắng khắc phục để mong vớt vát được phần nào hay phần đấy. Tất cả chỉ trông chờ vào thời tiết do nước sông dâng cao, tràn qua đê vào đồng, trong khi các trạm bơm tiêu đã dừng hoạt động.

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai, từ 7 giờ ngày 6/9 đến 17 giờ 30 phút ngày 10/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn, với tổng lượng mưa hơn 360 mm. Mực nước sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc tính đến 6 giờ ngày 11/9 là 8,54 m, vượt mức báo động III là 54 cm gây ngập úng sáu xã vùng ven sông Tích, gồm: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên và Ngọc Liệp, với 555 hộ dân, gần 2.480 nhân khẩu, trong đó có 144 hộ dân, với hơn 510 nhân khẩu bị ngập sâu. Các xã đã huy động hơn 1.000 người cùng máy xúc, ô-tô tải và các phương tiện khác tham gia đắp đê, nâng cao bờ bao chống tràn vào khu dân cư và bảo vệ diện tích lúa mùa. Tuy nhiên, mực nước sông dâng cao tràn qua đê khiến nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả bị úng ngập.

Tại huyện Chương Mỹ, lũ sông Bùi tiếp tục lên cao, vượt báo động lũ cấp III, các ngành chức năng cùng các xã, thị trấn và người dân các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tốt Động.... vừa dồn lực khắc phục hậu quả bão số 3, vừa khẩn trương triển khai phương án phòng, tránh lũ. Anh Nguyễn Văn T., người dân vùng “rốn lũ” Nam Phương Tiến cho biết, cơn bão số 2 cuối tháng 7, kéo theo lũ rừng ngang gây ngập sâu, kéo dài đã làm hơn ba sào lúa của gia đình bị úng, chết. Ngay sau khi lũ rút, gia đình đã làm đất để gieo rau cải, giờ lại bị lũ nhấn chìm toàn bộ. Đến nay, nước lũ cũng đã tràn qua đê vào khu dân cư các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn trực 24/24 giờ để hạn chế phương tiện di chuyển qua các tuyến đê; phong tỏa các khu vực nguy hiểm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, kè, cống, trạm bơm để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó đối với những tình huống xấu có thể xảy ra...

Trong chiều 11/9, huyện Quốc Oai đã hoàn thành di dời 125 hộ dân thuộc xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu tới nơi tránh trú an toàn; đồng thời hỗ trợ 300 triệu đồng cho địa phương mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ người dân tại nơi tránh trú.

2/Trong khu vực nội thành, các quận có các phường nằm ngoài đê sông Hồng đã di dời những hộ dân sống ở những khu vực nguy hiểm về nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các phương án hộ đê. Quận Hoàn Kiếm có hai phường nằm ngoài đê là Chương Dương và Phúc Tân, với tổng số hơn 40 nghìn người dân sinh sống. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão quận đã khẩn trương lên kế hoạch ứng phó với từng tình huống cụ thể khi nước sông Hồng lên mức báo động 1, 2 và 3. Trong đó, quận coi nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng nhất. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức sơ tán từng khu vực trong ngày 10/9. Ngõ 823 đường Hồng Hà tuy nằm khá xa sông Hồng nhưng nước theo các đường cống chảy ngược vào, khu vực này vốn như một cái lòng chảo nên bị nước ngập sâu nhất và sớm nhất nên người dân đã phải chạy lũ từ trưa 10/9.

Do nước sông Hồng lên nhanh, đêm 10/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão các phường đến từng hộ dân vận động, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn. Đến trưa 11/9, quận đã sơ tán được 379 hộ dân tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: “Quận đã sử dụng các trung tâm văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của người dân, khu thể thao Long Biên, khu nhà tạm lánh ở số 360, phố Phúc Tân, tầng 2 chợ Vọng Hà làm nơi tạm trú cho nhân dân tránh lũ. Hiện, quận cũng sẵn sàng phương án chuẩn bị một số địa điểm để đón người dân khi có những tình huống mới phát sinh”.

Hà Nội huy động tổng lực chống lũ ảnh 1

Các lực lượng chức năng quận Ba Đình hỗ trợ người cao tuổi tránh lụt tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình.

Ngày 10/9, quận Ba Đình và phường Phúc Xá di dời 276 hộ dân, 1.059 nhân khẩu sinh sống tại khu vực bờ vở sông Hồng đến Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình tại 67 phố Phó Đức Chính, thuộc địa bàn phường Trúc Bạch. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, lực lượng chức năng quận và phường đã chuẩn bị chỗ ở tạm và bếp ăn, bảo đảm người dân không thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt. Để bảo đảm các trường hợp người dân di dời (chủ yếu là người cao tuổi) yên tâm khi đến nơi ở tạm thời, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phường Trúc Bạch đã ủng hộ chăn gối, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ dân phố tham gia hỗ trợ nhu yếu phẩm. Lực lượng cán bộ phường Phúc Xá, phường Trúc Bạch, các lực lượng Công an, y tế, dân quân ứng trực 24/24 giờ để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cho người dân.

Bên cạnh đó, quận Ba Đình đã yêu cầu phường Phúc Xá và các lực lượng chức năng phối hợp nắm chắc tình hình, sẵn sàng các phương án phòng chống lũ lụt tại địa bàn. Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, trong chiều 10/9, quận thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, tổ chức các lực lượng sẵn sàng ứng trực 24/24 giờ để ứng phó với tình trạng nước sông Hồng lên mức báo động 2. Trong sáng và trưa ngày 11/9, các lực lượng chức năng của quận tiếp tục hỗ trợ người dân, các cơ quan, đơn vị đóng tại khu vực bị ngập lụt trên địa bàn phường Phúc Xá di dời. Cụ thể, các lực lượng hỗ trợ Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai, Bệnh viện Medlatec di dời máy móc trang thiết bị để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, đồng thời chuyển bộ phận “Một cửa” của UBND phường Phúc Xá về địa điểm 64 đường Yên Phụ duy trì giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.