1/Hội thảo đã tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa cũng như việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trên nền tảng internet với sự tham dự của hơn 800 đại biểu, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, sau hơn 35 năm đổi mới, các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được cụ thể hóa trong các chính sách, pháp luật của
Nhà nước, được ghi rõ trong Hiến pháp. Việc triển khai thực hiện trong thực tiễn cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng và còn những tồn tại, hạn chế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cải cách và hoàn thiện thể chế văn hóa cần được phát huy đồng bộ thông qua nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước song hành cùng trao quyền tự chủ nhiều hơn đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa. Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.
2/Trước thực tế hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ, đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chưa có luật để quản lý, theo GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm vẫn phải quản lý bằng nghị định, trong khi đây là những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng, đồng thời có nhiều khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành năm 2017 đã đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp khu vực tư nhân trong đổi mới sáng tạo, tuy nhiên luật chỉ dành cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng, thương mại và dịch vụ. Còn công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp có tính đổi mới, sáng tạo rất cao lại bị bỏ sót. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Đề cập đến vấn đề rất “nóng” hiện nay là sự quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư đến phát triển văn hóa, chuyên gia Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê cho rằng, tham vọng của Việt Nam đến năm 2030 - doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% vào GDP (tức là vào khoảng 25 tỷ USD) là con số tham vọng và rất khó đạt được nếu không có giải pháp huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là trong khối tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân không mấy mặn mà với việc đầu tư vào công nghiệp văn hóa khi cho rằng, đây là quá trình đầu tư lâu dài, vốn lớn và lợi nhuận thấp (so với đầu tư xây dựng dự án nhà chung cư cao cấp, tòa nhà thương mại...). Lấy thí dụ ở Hà Nội - “Thành phố sáng tạo của UNESCO”, ông Vinh cho rằng, thành phố không có một quy hoạch cụ thể và hấp dẫn trong lĩnh vực văn hóa, tạo cơ sở cho khối tư nhân nghiên cứu, phát triển dự án. Vì vậy các hoạt động đầu tư cho các dự án công trình văn hóa và sản phẩm sáng tạo văn hóa thường nhỏ bé, không có tầm nhìn dài hạn và manh mún. “Một chính sách khuyến khích đầu tư các nền tảng công nghệ cho công nghiệp văn hóa công nghiệp sáng tạo là vô cùng cần thiết”, ông Vinh nhấn mạnh.
Một thí dụ khác là ở TP Hồ Chí Minh. Hiện nay thành phố có khoảng 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng giá trị sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chiếm 3,54% tổng GRDP của thành phố (cao hơn mục tiêu phấn đấu của cả nước là 3%). Tuy nhiên ngành văn hóa thành phố vẫn gặp phải những vướng mắc, kìm hãm sự phát triển. Để bảo đảm yêu cầu để ngành văn hóa phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng và tầm vóc của một đô thị đặc biệt, thành phố cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý để lĩnh vực văn hóa thực hiện những bước đột phá mới.