Nhiều hạn chế, yếu kém
Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.000 km đường thủy nội địa với nhiều tuyến kênh, rạch đi sâu vào nội đô, đi qua nhiều khu phố đẹp, nhưng giao thông thủy chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Thành phố có bốn tuyến sông chính đi qua, bao gồm: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng nhiều hệ thống kênh, rạch kết nối với tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện, thành phố đang khai thác vận tải trên các tuyến như tuyến bus đường thủy số 1 chạy trên sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng (Quận 1) đến bến Linh Đông (TP Thủ Đức); tuyến vận tải hành khách trên sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng đến bến Đình, bến Dược (huyện Củ Chi) và tiếp nối với sông Đồng Nai đi TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)… Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức nhiều chuyến du lịch bằng đường thủy đi trên du thuyền thưởng ngoạn ẩm thực, ngắm phong cảnh về đêm trên sông Sài Gòn khu vực trung tâm thành phố; đi thuyền gỗ nhỏ tham quan trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (Quận 3)…
Là đơn vị quản lý tuyến bus đường thủy số 1 chạy trên sông Sài Gòn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật Nguyễn Kim Toản cho rằng, sông Sài Gòn đẹp không thua sông Bangkok chảy qua thủ đô của Thailand, hay nhiều con sông chảy qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc… Vậy nhưng, dọc hai bờ sông Sài Gòn thì gần như chưa có nhiều công trình kiến trúc trang trí ánh sáng về đêm, trong khi các bến bãi phục vụ neo đậu tàu thuyền chỉ đếm đầu ngón tay, không có bất cứ ấn tượng nào cho du khách khi đi trên sông vào ban đêm. Thủ tục hành chính cũng là một trở ngại lớn trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Theo ông Toản, từ khi doanh nghiệp khai trương tuyến bus đường thủy số 1 vào năm 2017, dù rất muốn đầu tư thêm tuyến số 2 nhưng chưa thực hiện được do vướng thủ tục. Tuyến số 1 đã hoạt động lâu và theo kế hoạch phải có 9 bến, nhưng hiện mới có 5 bến; các bến còn lại… vướng thủ tục đầu tư.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai hiện có 13 con sông và kênh với tổng chiều dài hơn 2.300 km. Lớn nhất là sông Đồng Nai với chiều dài đoạn chảy qua địa bàn tỉnh khoảng 220 km. Đây là nguồn tài nguyên lớn để phát triển giao thông đường thủy. Nhưng việc phát triển giao thông đường thủy bao gồm trên tuyến sông Đồng Nai là chưa xứng tầm. Tuyến sông Đồng Nai hiện nay chủ yếu phát triển giao thông thủy trên lĩnh vực vận chuyển vật liệu xây dựng. Trong khi đó, dù trải dài từ huyện Tân Phú đến huyện Nhơn Trạch nhưng vận tải hành khách gần như chưa được khai thác.
Đồng Nai hiện có đầy đủ các tuyến kết nối trong tỉnh cũng như với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ. Thế nhưng, sự kết nối về giao thông đường thủy, đặc biệt là trên lĩnh vực phục vụ vận chuyển hành khách giữa Đồng Nai với các địa phương trên chưa có. Chỉ có các bến đò ngang chứ chưa có bất kỳ tuyến bus đường thủy, tàu cao tốc hay các phương tiện khác để khai thác.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đồng Nai Dương Văn Đông, tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh bình quân hằng năm ước đạt 3,3 triệu lượt khách/năm, bằng khoảng 6% so sản lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ.
Tương tự, tỉnh Bình Dương có sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông Thị Tính chảy qua địa bàn và kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước nên rất thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy. Trong đó, riêng hệ thống sông Đồng Nai uốn lượn, tạo thành những cù lao chen lẫn trong những con phố như: Cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông… Tuy nhiên, đến nay, hạ tầng giao thông đường thủy rất yếu kém, chưa phát huy được lợi thế mang lại.
Đi bằng cách nào?
Về hướng phát triển sắp tới, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay, thành phố sẽ mở thêm ba tuyến vận tải hành khách đường thủy kết hợp du lịch đi Bình Dương, Côn Đảo và Tiền Giang trước năm 2025. Việc khai thác thêm các tuyến đường thủy này được cho góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại người dân, phát triển du lịch, chia bớt áp lực cho giao thông đường bộ.
Theo đó, hai tuyến ở nội đô dự kiến được đầu tư hoàn thành năm 2024, gồm: Quận 1 đi Quận 7 và Nhà Bè, dài khoảng 13 km. Tuyến dự kiến từ bến Bạch Đằng, theo sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa đến bến Ngôi Sao Việt. Trên tuyến hiện các bến Ngôi Sao Việt (Quận 7) và Cù Lao Xanh (huyện Nhà Bè) đã được đầu tư xây dựng. Khi hoạt động, tuyến sẽ kết hợp tham quan các điểm du lịch, trung tâm thương mại, khu ẩm thực... Tuyến khác ở nội thành kết nối bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Bình Quới, dài 10 km.
Thành phố cũng lên kế hoạch mở thêm ba tuyến liên tỉnh. Trong đó, tuyến đi Bình Dương, Củ Chi sẽ theo sông Sài Gòn chiều dài khoảng 79 km; tuyến giao thông thủy kết hợp du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có chiều dài khoảng 225 km; tuyến còn lại là phà biển Cần Giờ chạy qua huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), dài khoảng 12 km. Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, phấn đấu đến năm 2025 du lịch đường thủy trở thành một trong các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt.
Đối với tỉnh Đồng Nai, hiện nay, UBND tỉnh đã yêu cầu ngành giao thông phải có quy hoạch lại đầy đủ để khai thác các tiềm năng, lợi thế của giao thông đường thủy, trong đó có tuyến sông Đồng Nai. Liên danh đơn vị tư vấn đã xác định việc phát triển hệ thống giao thông đường thủy là một trong những lĩnh vực quan trọng xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Cụ thể, việc hoàn thiện quy hoạch phát triển giao thông đường thủy sẽ được triển khai đồng bộ từ việc chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp hệ thống luồng hàng hải trên địa bàn tỉnh bảo đảm cho tàu ra vào thuận lợi và đồng bộ với quy mô cảng biển đã được quy hoạch. Đối với mạng lưới đường thủy của tỉnh, quy hoạch trước hết phải bảo đảm hai khả năng thích ứng với những thay đổi của tổng mặt bằng đã hình thành và thích ứng với những chương trình tương lai sẽ phát triển. Mạng lưới giao thông thủy với hai khối chuyên ngành là luồng tuyến và cảng - bến cũng sẽ được quy hoạch bảo đảm sự đồng bộ về quy hoạch luồng tuyến và quy hoạch cảng - bến. Đặc biệt là kết nối trực tiếp đi hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Cùng với đó, kết hợp giao thông thủy và khai thác du lịch, nhất là các loại hình du lịch đường sông, du lịch sinh thái, sông nước và cảnh quan.
Còn với tỉnh Bình Dương, một trong điểm nhấn phát triển giao thông thủy thời gian tới đó là dự án xây dựng Cảng An Tây. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Thuận thông tin, dự án Cảng sông An Tây nằm trên khu đất có diện tích 100 ha giáp sông Sài Gòn (thuộc xã An Tây, thị xã Bến Cát) và có tổng mức đầu tư hơn 2.279 tỷ đồng. Hiện, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư. Dự án dự kiến thực hiện từ năm 2023 đến 2027, gồm các hạng mục như kho bãi, bến cảng, đường giao thông, kênh thoát nước... Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 3.000 tấn.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, dự án sẽ kết nối hầu hết các khu công nghiệp, kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép, tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam Bộ. Mặt khác, ngoài khơi thông đường thủy, khi đưa vào vận hành, dự án Cảng sông An Tây còn thu hút một lượng lao động lớn tại địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động hiện thực hóa quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương.