Giữ sự linh thiêng, văn minh nơi lễ chùa, lễ hội

Trong hoạt động lễ chùa và lễ hội đầu năm, bên cạnh những nét văn minh vẫn còn không ít hiện tượng phản cảm và bất cập. Nhiều năm quan sát sự phát triển của các hoạt động văn hóa truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ đã có một số ý kiến chia sẻ cùng Thời Nay về thực tế này.
0:00 / 0:00
0:00
Cần bảo đảm tính trang nghiêm của lễ hội. Ảnh: KHIẾU MINH
Cần bảo đảm tính trang nghiêm của lễ hội. Ảnh: KHIẾU MINH
Giữ sự linh thiêng, văn minh nơi lễ chùa, lễ hội ảnh 1

Phóng viên (PV): Xin ông nhận định về những bất cập còn tồn tại các hoạt động lễ hội, thực hành tín ngưỡng tâm linh sau Tết?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ (NHV): Về những bất cập, tiêu cực đó thì có thể kể ra rất nhiều. Với từng hiện tượng một, cần có những quan sát và phân tích cụ thể. Trước hết, có thể thấy nhiều điểm tâm linh, tín ngưỡng đang quá tải dẫn tới ách tắc, mất an toàn giao thông, chen lấn, xô đẩy, mất an ninh trật tự và sức khỏe cá nhân. Kèm theo là việc lợi dụng tín ngưỡng và tôn giáo để buôn thần bán thánh một cách có tổ chức. Cùng với đó là các tệ nạn mê tín, bói toán. Khách thập phương còn trở thành nạn nhân của hiện tượng “chặt chém” ở các dịch vụ kèm theo lễ hội. Cũng như có nhiều bức xúc trước sự thiếu minh bạch và hợp lý trong việc sử dụng kinh phí lễ hội. Ngoài ra, nhiều nơi thực hành những “hành động lễ hội” phản cảm, không phù hợp tinh thần nhân văn của thời hiện đại như bạo lực, cướp lộc, trình diễn sát sinh...

Còn chưa kể các tệ nạn như lạm dụng bia rượu, đánh bạc, tuyên truyền dị giáo có nguy cơ bùng nổ trong những ngày đầu năm. Nhiều kẻ xấu còn lợi dụng lễ hội để tuyên truyền chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Mỗi bất cập, tiêu cực cần phải được nghiên cứu về nguyên nhân, diễn biến, hậu quả một cách chu đáo và có những phương sách cụ thể để lễ hội ngày càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, nhu cầu giải trí nghỉ ngơi, nhu cầu văn hóa nghệ thuật và nhiều nhu cầu lành mạnh của nhân dân.

PV: Để xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm thuộc về đâu? Nhiều năm qua vẫn không giải quyết được triệt để thì nguyên nhân gây cản trở nằm ở đâu?

NHV: Có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân của tổng thể sự phát triển xã hội, có nguyên nhân từ sự nhận thức của mọi người và nguyên nhân của những người tổ chức lễ hội. Còn nói về trách nhiệm thì, nếu như chúng ta thực hiện thành công một kế hoạch, một sự kiện, một quá trình nào đó là nhờ toàn thể hệ thống chính trị xã hội vào cuộc một cách tích cực, thì khi những bất cập xảy ra trong lễ hội, hệ thống đó cũng có phần trách nhiệm.

Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp thuộc về Ban tổ chức lễ hội. Thông thường là, những người tổ chức lễ hội không lượng định hết những bất cập có thể diễn ra để có những điều chỉnh cần thiết nhất. Với sự tập trung quá đông người trong một không gian và thời gian rất hữu hạn thì sự phức tạp sẽ luôn luôn có thể xảy ra, khó mà lượng định.

Những bất cập sẽ luôn luôn xảy ra trong xã hội cũng như trong lễ hội và không bao giờ có kỳ vọng đơn giản và ảo tưởng là “giải quyết được triệt để” mọi chuyện bất cập đó… Quy luật chung của phát triển nhân loại là càng ngày càng tiến bộ hơn, văn minh hơn, nhân văn hơn, chân thiện mỹ hơn. Tuy nhiên, những yếu tố “phản” vẫn luôn luôn xuất hiện và vẫn luôn luôn phải điều chỉnh. Những bất cập sẽ luôn luôn nảy sinh như quy luật khách quan, nó cản trở những điều thiện lành, còn con đường làm cho tốt đẹp lên luôn luôn phải cố gắng để bớt “khổ” hơn, bớt bất cập và tiêu cực hơn. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ có thể cố gắng từng bước mà tốt hơn lên, lấy cái tốt lấn dần cái xấu.

Giữ sự linh thiêng, văn minh nơi lễ chùa, lễ hội ảnh 2

Còn nhiều ý kiến về cách tổ chức chưa tốt tại các lễ hội đầu năm. Ảnh: KHIẾU MINH

PV: Một hiện tượng đang rất được quan tâm hiện nay là “kinh doanh hóa” lễ chùa ở một số cơ sở thờ tự và trong đời sống xã hội. Xin ông cho ý kiến về thực tế này và một vài đề xuất nhằm kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn những bất cập nảy sinh?

NHV: Là một tích lũy sự kiện, lễ hội cũng tích hợp vào nó những tiêu cực. Kinh doanh lễ hội cũng là một tất yếu vì từ xa xưa, muốn làm lễ hội chắc chắn phải có tiềm lực kinh tế và phải có tích lũy kinh tế. Trong nghĩa hẹp ở đây, chúng ta hiểu “kinh doanh hóa lễ chùa” là việc làm lễ hội hay hoạt động lễ ở chùa chỉ nghiêng hẳn về mục đích kinh doanh, nói cách khác là hiện tượng “buôn thần bán Phật”.

Có nhiều dạng thức lễ hội ở nhiều loại chùa khác nhau và cách thức lễ hội cũng khác nhau. Không phải tất cả đều tiêu cực. Bởi vậy, mức độ “nghiêm trọng” cũng khác nhau. Với chùa làng, chùa nhỏ..., chủ yếu người ta dùng kinh phí cúng dường khiêm tốn để thực hành các pháp hội, lễ lạt. Nếu có những bất cập thì mức độ không cao lắm. Nghiêm trọng trong việc này lại nằm ở những công ty lớn, dựng chùa, chạy di tích, kết hợp với tôn giáo, kinh doanh tín ngưỡng, chiếm dụng đất đai diện tích lớn, lách luật, không báo cáo quyết toán tài chính định kỳ, không nộp thuế kinh doanh, làm giàu bất chính cho công ty và một số nhóm lợi ích. Sự nghiêm trọng đó không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Nhà nước mà còn tạo dư luận bất bình trong nhân dân, gia tăng mê tín dị đoan, đánh mất niềm tin của người dân vào hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo, dẫn tới mất ổn định xã hội.

Nhằm bước đầu điều chỉnh tình hình, gần đây Bộ Tài chính đã ra Thông tư 04, ký ngày 19/1/2023 và bắt đầu thực hiện từ ngày 19/3/2023 về việc “Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội”. Cũng như nhiều không gian thờ tự của các tôn giáo khác, nhà chùa (trong diện điều chỉnh của Thông tư) cũng sẽ phải thực thi lễ hội chùa với mục đích thu chi hợp lý, minh bạch để bảo đảm niềm tin và uy tín tốt đẹp của tín ngưỡng và tôn giáo.

PV: Các cơ quan văn hóa, chính quyền cần phải làm gì để như ông nói là lấy cái tốt lấn dần cái xấu?

NHV: Du lịch tín ngưỡng chủ yếu diễn ra với công chúng đồng đạo, sau đó mới đến du khách trải nghiệm. Nguồn phát triển kinh tế ngoài các dịch vụ du lịch chung thì có thêm kinh phí cúng dường, từ thiện và tài trợ. Ở Việt Nam, người đi các lễ hội Phật giáo với ba mục đích chủ yếu là lễ Phật, vãn cảnh và cúng dường. Nếu hoạt động tốt, hợp lý, minh bạch, được kiểm soát thì đó cũng là một nguồn thu cho tín ngưỡng, tôn giáo và cho việc phát triển kinh tế quốc gia.

Khi chưa thực hiện Thông tư 04 của Bộ Tài chính đã nêu trên, cũng có nhiều nơi, từ những kinh nghiệm quản lý trước đây, họ đã làm khá tốt công việc này. Với những cơ sở tôn giáo nằm trong Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh hoặc quốc gia thì ta thấy có sự kết hợp giữa Ban quản lý di tích với người đại diện quản lý cơ sở tôn giáo và sự kết hợp của đại diện quần chúng địa phương. Các khoản tài chính thu chi có sổ sách ghi chép đầy đủ, ban tổ chức lễ hội có đủ các thành phần đại diện chính quyền, tôn giáo và nhân dân. Nói chung, dư luận xã hội không bức xúc, truyền thông không phản ánh những tiêu cực, cơ sở di tích từng bước được trùng tu và cải thiện mọi mặt thì sẽ là những điều đáng mừng!

PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông!