Gian nan bài toán nước sạch đồng bằng sông Cửu Long (kỳ 2)

Kỳ 2: Đa giải pháp, đa nguồn lực
0:00 / 0:00
0:00
Máy lọc là một giải pháp cho bài toán nước sạch ở ĐBSCL.
Máy lọc là một giải pháp cho bài toán nước sạch ở ĐBSCL.

(Tiếp theo và hết)

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, việc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch là một hướng đi. Bên cạnh các giải pháp công trình cần nguồn lực đầu tư lớn thì các giải pháp lọc nước đầu ra cũng cần được lưu tâm. Hiện, một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có sự quản lý khá tốt để phát triển mô hình đưa máy lọc nước đến với các hộ dân, đặc biệt là các hộ nghèo thông qua chương trình trả góp.

Từ một dự án xã hội hóa

Giữa vùng sông nước mênh mông, nơi tranh chấp của hai dòng mặn - ngọt, người dân 13 tỉnh ĐBSCL vẫn vật lộn kiếm tìm nguồn nước sạch ổn định. Tại Bến Tre, dù nhiều dự án đầu tư nhà máy cấp nước được thông qua nhưng quá trình triển khai kéo dài đã làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận nước sạch của người dân. Trong số các dự án này, hai Nhà máy nước sạch Phú Long và Nhà máy nước ngọt Ba Lai được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân đều đang trong tình trạng chậm tiến độ. Đặc biệt, dự án Nhà máy nước sạch Phú Long (huyện Bình Đại) do Công ty Đại Quang Thủy làm chủ đầu tư không hoàn thành sẽ bị UBND tỉnh Bến Tre thu hồi vào cuối năm nay.

Trong bối cảnh đó, ông Hạ Chí Điền, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết: Toàn tỉnh có 67 nhà máy nước với tổng công suất 10.500 m³/giờ, đáp ứng nước sạch cho khoảng 76% hộ dân. Trong 24% còn lại chưa tiếp cận nước sạch thì 10% vị trí không thể mở tuyến ống do người dân sinh sống phân tán. Đối với nhóm này cần có mô hình thí điểm lọc nước quy mô hộ gia đình phù hợp.

Trong khi Bến Tre mới đang kiến nghị thì một số tỉnh như Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... đã có những cách giải quyết cụ thể hơn qua việc tuyên truyền nhân dân trữ nước và sử dụng các phương tiện lọc nước hiệu quả. Nổi bật trong số này là mô hình kết hợp với Trung tâm dự án phát triển nông thôn mới Việt Nam (Công ty máy lọc nước Nanomic) cung cấp máy lọc nước RO bảo đảm chất lượng theo hình thức trả góp tới từng hộ dân.

Nằm ở vị trí cuối nguồn sông Mê Công, Tiền Giang phải gánh chịu nhiều hệ lụy tiêu cực do xâm nhập mặn. Để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân, ông Ưng Hồng Nghi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Song song với các giải pháp công trình, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm dự án Nông thôn mới Việt Nam đưa máy lọc nước về 11 huyện, thành phố của Tiền Giang. Qua 2 năm thực hiện thí điểm, hiệu quả từ thiết bị đang được người dân đánh giá cao. Cuối năm nay, Sở cùng với các địa phương sẽ có những đánh giá, tổng kết cụ thể để tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Sự tham gia đồng hành của doanh nghiệp chỉ có thể đạt hiệu quả khi được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Đánh giá về mô hình máy lọc nước RO, ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau chia sẻ: Để xây dựng hệ thống cấp nước sạch mang tính tập trung phủ hết vùng nông thôn, Cà Mau cần đến nguồn vốn khổng lồ lên tới 2.000 tỷ đồng. Con số này vượt quá khả năng của tỉnh nên trước mắt chúng tôi ưu tiên những giải pháp xã hội hóa giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân. Thông qua sự kết hợp với Trung tâm dự án Nông thôn mới Việt Nam, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con hiểu về nước sạch đồng thời đưa máy lọc nước Nanomic tới từng hộ gia đình cá nhân theo chương trình trả góp. Doanh nghiệp triển khai nhưng dưới sự giám sát của chính quyền cấp cơ sở. Hy vọng giải pháp này sẽ góp phần đưa tỷ lệ sử dụng nước sạch của các địa bàn khó khăn ở Cà Mau được nâng lên trong thời gian tới.

Riêng tại Kiên Giang, nơi đang có hơn 30.200 hộ dân tại các huyện An Minh, An Biên, Kiên Lương, U Minh Thượng, Giang Thành và một số đảo thuộc huyện Kiên Hải phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt, dù mới ở quy mô nhỏ lẻ nhưng một số cán bộ cấp cơ sở đã quan tâm tìm hiểu để đưa mô hình máy lọc nước về tận ấp. Ông Nguyễn Việt Ảnh, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết: Bà con dùng nước giếng khoan có bồn lắng lọc cũng gọi là nước hợp vệ sinh thôi chứ sạch có lẽ chưa bảo đảm. Để xử lý nguồn nước này, ấp đã kết hợp với Trung tâm dự án phát triển nông thôn mới Việt Nam đưa máy lọc nước về các hộ gia đình. Qua sử dụng, bà con rất phấn khởi bởi chất lượng nước đầu ra ngon, ngọt, sạch đạt chuẩn và mang tính ổn định hơn.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch Hội Cấp nước ĐBSCL: “Hiện tại chúng tôi đã khuyến cáo bà con tranh thủ dự trữ nước mưa để dành sinh hoạt. Bên cạnh đó, Hội cũng khuyến cáo các địa phương tìm mọi nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng, khắc phục những công trình hư hỏng, bảo đảm tốt nhất cho bà con có nước sinh hoạt trong mùa khô sắp tới. Về lâu dài, rất mong Trung ương quan tâm đầu tư các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn, mang tính bền vững cho cả vùng”.

Cần có giải pháp lâu dài

Doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong kiểm soát chất lượng thiết bị, quy trình vận hành, đặc biệt là huy động nguồn vốn xã hội hóa đã giúp nhiều hộ dân nghèo tiếp cận nguồn nước sạch. Chia sẻ về chủ trương xã hội hóa, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Đến thời điểm này, tỉnh rất quyết liệt trong triển khai các dự án cấp nước sinh hoạt cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào phát triển hệ thống nước sạch ở nông thôn. Sự tham gia của nguồn vốn này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, tuy nhiên cần phải có sự giám sát, quản lý từ chính quyền để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Chia sẻ về lời giải cho bài toán nước sạch, ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Trước hết chúng tôi tập trung tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp hiểu về trách nhiệm khi khai thác, sử dụng nguồn nước sạch. Thứ hai tỉnh cũng tập trung bố trí ngân sách xây dựng các công trình tích nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho Tiền Giang và cả khu vực. Thứ ba chúng tôi cũng tập trung cải tiến, thay thế thiết bị trong các nhà máy nước hoặc trám lấp giếng khoan không còn bảo đảm chất lượng. Đặc biệt rất hạn chế cấp giấy phép khoan giếng mới. Hy vọng tất cả những giải pháp sẽ bảo đảm được nguồn nước cho người dân trong thời gian tới.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 sẽ là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt vì thế cần đưa ra kế hoạch ứng phó dài hơi ngay từ bây giờ. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi đề nghị các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025. Các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014 - 2016. Đặc biệt mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án chống hạn mặn cho bảy tỉnh vùng ĐBSCL với giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Hy vọng, cùng với các giải pháp đồng bộ từ doanh nghiệp, người dân và chính quyền các cấp thì bài toán “Giải cơn khát nước sạch” cho người dân sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới.

Gian nan bài toán nước sạch đồng bằng sông Cửu Long (kỳ 1)