Giảm giá sách, cần hợp lý!

Một trong những hấp dẫn nhất ở các hội sách, phố sách, đường sách là chính sách giảm giá của các đơn vị làm sách. Thế nhưng điều này cũng gây tranh cãi với nhiều người.

Chọn mua sách tại Hội sách 2017- Hà Nội. Ảnh: QUANG HƯNG
Chọn mua sách tại Hội sách 2017- Hà Nội. Ảnh: QUANG HƯNG

1/ Luật Xuất bản 2012 quy định: Giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) là người điều chỉnh giá bán lẻ xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, ở Hà Nội, tại những địa điểm bán sách lớn như phố Đinh Lễ, người đọc thường được giảm giá sách từ 15-25% hoặc hơn, tùy đầu sách. Trong các triển lãm, hội chợ sách hay đường sách, sách cũng được giảm giá thậm chí đến 70%.

Một số ý kiến cho rằng, họ phấn khởi khi giá sách được giảm. Bởi vì họ có thể mua được những cuốn sách giá rẻ, hợp với túi tiền. Chị Thu Hiền, ở Long Biên, Hà Nội chia sẻ: Các loại sách cơ bản để dạy trẻ con, cũng như sách cung cấp kiến thức bổ ích và đại trà, có giá rẻ thì tốt chứ sao! Các sách chuyên đề, hoặc sách văn học, giá có thể cao, vì kén độc giả. Các NXB cho ra sách giá rẻ, mà vẫn kinh doanh có lời, điều đó chứng tỏ họ kiểm soát tốt giá vốn mới có giá rẻ được. Riêng sách trẻ con - tôi chỉ muốn có giá rẻ nhất để ai cũng mua được. Muốn con phát triển toàn diện, cần nhiều sách lắm! Nhưng giá cao thì bố mẹ không mua nổi. Cho ra sản phẩm giá rẻ, giảm giá để thu hút khách hàng, cũng là xu thế chung của toàn thế giới hiện nay. Còn bạn Minh Đăng ở Đống Đa thì lại cho rằng: Sách cũng là một loại hàng hóa, sách ế, sách cũ, sách nối bản giảm giá để tri thức đến được với sinh viên nghèo, người nghèo cũng tốt. Giảm giá sách không hề làm giảm giá trị của tri thức.

2/ Trên thực tế, sách ở nước ngoài nói chung hầu như không ghi giá bìa, chỉ in sẵn barcode hoặc QR code (kể cả đôi khi có ghi giá bìa thì giá bán sách cũng không nhất thiết chính xác theo giá bìa). Thứ nữa, giá sách trên chợ ảo Amazon biến động theo thời gian và theo nguồn cung cấp, độ biến động nhiều khi khá lớn, ngay cả đối với những quyển sách quý.

Nói vậy để thấy rằng, sách dù là một sản phẩm trí tuệ, sản phẩm văn hóa nhưng cũng nên coi nó như một thứ hàng hóa mà giá cả của nó chịu sự điều tiết của thị trường. Khi đó, tác giả viết sách là một khâu trong dây chuyền sản xuất và đưa sách đến tay người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, trước đây (nhất là thời bao cấp) sách nói chung rất rẻ. Chính nhờ coi sách như một thị trường mà sách ngày nay đã nâng lên nhiều so với trước, đồng thời giá cả có sự điều tiết, lên hoặc xuống. Các hội sách/phố sách đang diễn ra, xuất hiện nhiều hơn với các hoạt động tiếp thị. Trong đó, nhiều cuốn sách được hạ giá để thu hút người tiêu dùng và tạo ra nhu cầu ở họ.

Đồng thời, sách đang là một trong những phương tiện thực hiện chủ trương nâng cao dân trí, văn hóa nói chung. Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách đưa sách đến với nhân dân qua hệ thống thư viện và đề án mang sách về cho vùng sâu, vùng xa. Nhưng về mặt thị trường, thu nhập trung bình của người dân thấp, trong khi giá sách so với thế giới tuy không cao, nhưng cao so với thu nhập của dân. Như vậy, việc giảm giá sách cũng là điều nên làm để khuyến khích độc giả mua sách.

3/ Tuy nhiên, nhìn nhận thêm, có thể thấy, sách không nên giảm giá quá sâu vì sẽ dẫn đến nhiều bất cập, làm ảnh hưởng đến quyền lợi tác giả và gây hiệu ứng tâm lý rất không tốt cho độc giả. Khi sách được bán đúng giá hoặc giảm một cách hợp lý sẽ giúp độc giả không dễ dãi khi lựa sách, lựa tác giả. Thậm chí, khi bán sách đúng giá bìa sẽ giúp tác giả phải nỗ lực giữ thương hiệu để hấp dẫn độc giả bằng chính chất lượng tác phẩm. Còn về phía độc giả, nếu thật sự muốn mua sách thì không nên chỉ mong giá rẻ, nhất là với những cuốn sách có hàm lượng chất xám cao. Sách rẻ quá cũng dễ ảnh hưởng đến tâm lý người sáng tạo, thậm chí chất lượng tác phẩm, dịch phẩm của họ.

Giảm giá sách quá sâu, đôi khi lại tiếp tay cho việc in lậu, vi phạm bản quyền trí tuệ đều dẫn đến sự coi rẻ, làm mất giá trị các sản phẩm. Chưa kể việc lợi dụng danh nghĩa giảm giá nhưng thực chất là không giảm. Thí dụ, có đơn vị làm sách để bán giá 100 nghìn đồng thì họ ghi giá bìa 150 nghìn đồng và chiết khấu cao cho đại lý. Hoặc đáng nhẽ in 2.000 bản thì họ in hẳn 5.000, sau đó đẩy 3.000 bản ra thị trường chợ đen.

Như vậy, việc giảm giá sách nên được điều chỉnh hợp lý, làm sao vừa bảo đảm được yếu tố kích cầu một sản phẩm hàng hóa, vừa giữ được sự tôn trọng đối với một sản phẩm văn hóa đặc thù. Xét cho cùng, ảnh hưởng xấu của việc giảm giá sách nếu có, cũng xuất phát từ những tồn tại trong ngành xuất bản.

Bà Claudia Kaiser, Phó Chủ tịch Ban Tổ chức Hội chợ Sách quốc tế Frankfurt (Đức) chia sẻ rằng, ở nước bà, chính phủ quy định không được giảm giá sách. Bởi vì ở Đức, giá sách được quản lý rất tốt, nhu cầu đọc sách của người dân ở đây rất cao, nên sách không cần tiếp thị nhiều. Và lẽ hiển nhiên, người viết sách, làm sách được bảo đảm về bản quyền và các quyền lợi kèm theo.