Giải mã trí tuệ nhân tạo

Kỳ 1: Hành trình tìm kiếm trí thông minh

 Alan Turing (phải) được xem là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu và chế tạo AI. Ảnh: WORLD NEWS
Alan Turing (phải) được xem là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu và chế tạo AI. Ảnh: WORLD NEWS

Cùng với sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (4.0), con người ngày càng đạt nhiều thành tựu mới liên quan phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, AI không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu mà đã được đánh giá là một trong những xu hướng tạo việc làm cho tương lai.

AI là gì?

AI thường được hiểu theo nghĩa thông thường nhất là robot hoặc máy tính có trí thông minh như con người. Từ điển Merriam Webster uy tín của Mỹ định nghĩa: AI là một chương trình máy tính hoặc máy tính có thể suy nghĩ và học tập, đồng thời là một lĩnh vực nghiên cứu nhằm làm cho máy tính “thông minh”. Trong khoa học máy tính, lý thuyết “thông minh” được hiểu là sự phát triển của các hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi tư duy của con người, như nhận thức thị giác, nhận dạng giọng nói, ra quyết định và thông dịch giữa các ngôn ngữ…

Bên cạnh khái niệm AI, Bách khoa toàn thư Britanica đã đưa ra nội dung khá đầy đủ về AI, với hàng chục thuật ngữ đính kèm để có thể hiểu được bao quát. Nội dung gần đây nhất được Britanica cập nhật vào ngày 12-1-2017: Thuật ngữ AI đề cập khả năng của một máy tính hoặc robot kỹ thuật số do máy tính điều khiển để thực hiện nhiệm vụ thường gắn liền với trí thông minh con người. Ngoài ra, các thuật ngữ liên quan như “Khoa học AI” là môn khoa học và công nghệ dựa trên các môn học như khoa học máy tính, sinh học, tâm lý học, ngôn ngữ học, toán học và kỹ thuật. Động lực chính của nghiên cứu về AI nhằm phục vụ việc phát triển các chức năng máy tính liên quan trí thông minh của con người, như lý luận, học tập và giải quyết vấn đề…

Ngày nay, AI đã được ứng dụng sâu rộng trong sản xuất cũng như trong cuộc sống, đặc biệt ở các nước phát triển. Một dây chuyền sản xuất được tích hợp AI để tự động hóa mọi công đoạn từ sản xuất cho đến đóng gói bao bì sao cho phù hợp thị hiếu khách hàng nhất. Một hệ thống bếp ăn có cài đặt hệ thống thông minh không chỉ biết nấu các món ăn dựa theo công thức được lập trình sẵn, mà còn nắm rõ thông tin về sở thích, “gu” ẩm thực của người sử dụng để nêm gia vị cho phù hợp…

Hiện nay một dạng AI gần gũi với người sử dụng nhất phải kể đến “Siri” - phần mềm trả lời tự động trên các máy điện thoại thông minh của Apple. Siri cũng được xem là điển hình cho một hệ điều hành AI đơn sơ có khả năng tự học hỏi, tiếp thu, lưu trữ các câu hỏi và câu trả lời cho nhiều lần sử dụng và nhiều người sử dụng.

Đề tài ăn khách

Nhà sáng chế, người tiên phong trong ngành khoa học máy tính John McCarthy là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ AI vào năm 1955 và được xem là người đặt nền móng cho ngành nghiên cứu và chế tạo AI sau này. Tuy vậy, nhiều người cho rằng trên thực tế John McCarthy đã tiếp nối các lý thuyết máy tính thông minh từ Alan Turing - cha đẻ của máy tính ngày nay. Câu chuyện về Alan Turing và quá trình tạo ra cỗ máy có thể hóa giải mọi mật mã từng được các nhà làm phim Hollywood dựng lại trong bộ phim “The Imitation Game” (Trò chơi mô phỏng), được công chiếu năm 2014.

Phim kể lại câu chuyện năm 1939, cơ quan tình báo của Anh MI6 tuyển mộ cựu sinh viên toán học xuất sắc của Trường đại học Cambridge là Alan Turing tham gia một nhóm các nhà khoa học nhằm giải mã các mật mã không thể phá giải được từ cỗ máy được gọi là Enigma của Đức quốc xã. Nhóm của Turing đã thành công trong việc giải mã Enigma và hình thành nền tảng của máy tính ngày nay.

Dù có nhiều tình tiết hư cấu so thực tế, nhưng bộ phim phần nào giúp công chúng hiểu được quá trình nghiên cứu, ý nghĩa của phát minh này thông qua ngôn ngữ điện ảnh sinh động, dễ hiểu. “Trí thông minh nhân tạo” - một bộ phim về AI của đạo diễn danh tiếng Steven Spielberg, cũng từng gây nhiều chú ý từ năm 2001, đã dự đoán về tương lai khi người máy có thể sống và có cảm xúc như con người.

AI cũng là một đề tài ăn khách của các nhà làm phim viễn tưởng với kịch bản “đại chiến” giữa người máy với con người, cho đến nảy sinh tình cảm giữa con người và AI. Bộ phim viễn tưởng “Her” (Cô ấy) của điện ảnh Mỹ kể về một lập trình viên đem lòng yêu hệ điều hành của chính mình, bởi “cô ấy” nắm được mọi thông tin từ công việc, đời tư cho đến sở thích ăn uống của anh này và tâm sự với anh mỗi ngày.

Cuộc cách mạng mô phỏng

Trong lịch sử, Alan Turing là một trong những người đầu tiên đề cập sự khác biệt giữa suy nghĩ của con người và máy tính. Khi mới 23 tuổi, Turing đã nhận ra các máy tính không thể làm mọi thứ và ước mơ dùng toán học, điện toán để lập trình một máy tính siêu việt. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, con người đã đặt câu hỏi rằng liệu máy tính có thể suy nghĩ như con người. Và cho đến bây giờ, thắc mắc ấy vẫn chưa thôi ám ảnh các nhà nghiên cứu.

Việc mô phỏng hoạt động của bộ não người được cho là một hướng đi vô cùng quan trọng tạo cách mạng trong nghiên cứu AI. Các “đại gia” trong ngành công nghệ thông tin trên thế giới như Google hay Tập đoàn SpaceX của Elon Musk - nhà tỷ phú đang đầu tư cho hàng loạt dự án AI dài hạn với mục tiêu mô phỏng bộ não con người hoàn chỉnh với ý thức và trí tuệ tổng hợp nhân tạo, có thể hoạt động trong thời gian thực.

Giải mã trí tuệ nhân tạo ảnh 1

Tỷ phú làng công nghệ Elon Musk tại một cơ sở nghiên cứu của Tập đoàn SpaceX. Ảnh Vanity Fair

Trên thực tế, mô phỏng bộ não người là một việc không hề đơn giản, thậm chí được xem là “bất khả thi” bởi nó cấu thành từ hàng triệu tế bào thần kinh, không chỉ “suy nghĩ” theo một logic đơn thuần mà còn hoạt động cấp cao như tính toán, phán xét, trừu tượng, tưởng tượng, hài hước... và tập trung trong một khối thể tích rất nhỏ. Hơn nữa, mỗi cỗ máy “phần cứng” lại cần hàng triệu thuật toán “phần mềm” phức tạp khác để vận hành và kết nối với nhau.

Bởi vậy, đến nay khoa học nghiên cứu AI mới chỉ phần nào đạt một số thành tựu, tạo ra những mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh tổng thể mô phỏng não người. Bài toán khó nhất trong lĩnh vực AI là chế tạo một hệ thống AI hoàn thiện, đóng vai trò như “thần kinh trung ương” điều khiển hoạt động, cử chỉ của người máy nhanh, dứt khoát như con người. Hiện nay, chưa có máy tính nào chính thức được công nhận có đầy đủ AI để có thể mô phỏng hành vi và suy nghĩ phức tạp của con người. Song, tiến bộ lớn nhất về AI được ghi nhận là các chương trình chơi cờ vua tốt nhất đã có thể đánh bại những kiện tướng thế giới.

Một trong những mục tiêu khác là xây dựng “Hệ điều hành thông minh” - một máy tính chủ kết nối internet có khả năng thu thập, phân tích dữ liệu và giao tiếp với các hệ thống khác. Nói cách khác, đó là một hệ điều hành có thể học hỏi, trao đổi với các hệ điều hành khác cũng như với con người.

Ngành khoa học AI ngày càng trở nên thu hút bởi vẫn còn nhiều ẩn số thú vị mà con người cần chinh phục. Từ cách đây gần một thế kỷ, Alan Turing đã đặt ra phép thử rằng “một máy tính sẽ xứng đáng được gọi là thông minh nếu nó có thể đánh lừa một con người để tin rằng máy tính đó là con người”.

(Còn nữa)