Giải bài toán nước sạch cho người dân Phúc Thọ

Chỉ cách trung tâm Thủ đô khoảng hơn 20 km, việc không có nước sạch thực tế đã tồn tại dai dẳng nhiều năm ở một số xã của huyện Phúc Thọ nhưng ít được kiểm tra, xử lý.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân Phụng Thượng vẫn phải dùng nước máy chất lượng kém.
Người dân Phụng Thượng vẫn phải dùng nước máy chất lượng kém.

Biết bẩn nhưng vẫn phải dùng

Hiện tại một số xã của huyện Phúc Thọ trong tình trạng chưa được xây dựng cơ sở hạ tầng cấp nước, một số nơi có nước máy thì chưa bảo đảm sạch... Việc không có nước máy đã buộc người dân phải chấp nhận sử dụng nước giếng khoan hoặc nước mưa trong một thời gian rất dài, có nơi phải gần 20 năm.

Ông Đỗ Văn Du (66 tuổi), thôn 9, xã Liên Hiệp chia sẻ: “Đã ba - bốn năm nay, người dân đã kiến nghị với xã và công ty nước sạch nhưng phải chờ tới tận tháng trước mới có thông tin trả lời. Cụ thể, người của trạm cấp nước sạch liên xã Hiệp Thuận - Liên Hiệp đã xuống phổ biến và thu phí hơn hai triệu đồng để lắp đặt cho người dân. Người dân rất mong đợi vì nước ngầm tại đây không bảo đảm mà vẫn phải dùng. Mặc dù đã khoan sâu, nhưng nước vẫn bị vàng và nhiều cặn. Để dùng được, người dân còn phải lọc qua nhiều lớp sỏi, đá nhưng cứ mỗi tháng lại phải vét khoảng 5 phân lớp bùn non trong bể lọc. Ngay cả khi đun sôi để uống nước thì vẫn sẽ thấy lắng cặn ở đáy ấm”.

Ngoài một số xã như Liên Hiệp vẫn đang chờ mạng cấp nước tập trung, trên địa bàn huyện còn một số xã còn thiếu cơ sở hạ tầng cấp nước. Đơn cử như tại xã Long Xuyên, dù đã được phê duyệt xây dựng trạm cấp nước sạch, song dự án tới nay hoàn toàn bỏ hoang. Từ năm 2018, địa phương đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khoảng 5.000 m2 đất để xây dựng trạm cấp nước sạch. Thế nhưng khi chứng kiến khu đất giờ trở thành bãi trồng ngô, kỳ vọng của người dân Long Xuyên theo thời gian trở thành thất vọng.

“Từ ngày gia đình tôi về sống ở đây chắc cũng hơn 20 năm, các hộ dân ở đây chỉ dùng nước giếng khoan. Nước ở đây thật sự ô nhiễm, có mùi tanh, có nơi váng vàng, váng đen. Biện pháp chủ yếu là lọc bằng cát sỏi và máy lọc. Điều này lại dẫn tới nhiều chi phí phát sinh, bởi tiền khoan giếng ít cũng phải 7-8 triệu đồng trở lên, càng sâu càng đắt. Ngoài tiền điện, mỗi gia đình cũng thường phải thay các loại phụ tùng như máy bơm, đường ống, vòi nước... sau một thời gian ngắn sử dụng. Nguyên nhân do nước giếng khoan làm hoen vàng, gỉ sét, đóng cặn... Cách đây vài năm có dự án nước sạch định xây dựng nhưng tới giờ không hiểu lý do gì đã bỏ hoang hơn 5 năm”, chị Nguyễn Thị Thơ (47 tuổi), sống tại thôn Phù Long 3, xã Long Xuyên cho biết.

Mòn mỏi chờ giải pháp

Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sạch ở Phúc Thọ trước hết do thiếu cơ sở hạ tầng, điển hình như trường hợp hai dự án cấp nước sạch cho năm xã: Long Xuyên, Thượng Cốc, Xuân Phú, Vân Nam, Vân Phúc từ năm 2017 của UBND thành phố Hà Nội không thể triển khai. Theo đại diện huyện Phúc Thọ, địa phương có sáu công trình cấp nước tập trung, đang cung cấp nước sạch cho khoảng hơn 20 nghìn hộ dân, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 40% tổng số hộ dân. Vẫn còn tới chín xã chưa có nguồn cấp nước sạch tập trung. Huyện Phúc Thọ đã đề nghị các sở, ngành và thành phố Hà Nội đôn đốc chủ đầu tư sớm thực hiện dự án cấp nước sạch cho người dân.

Ngoài việc thiếu hệ thống cấp nước, hiện nay trên địa bàn huyện có tình trạng người dân không “mặn mà” sử dụng, dù có hệ thống đường ống dẫn nước sạch về đến tận nhà. Theo phản ánh của người dân, chất lượng nước máy một số xã như Sen Phương, Trạch Mỹ Lộc hay Phụng Thượng không bảo đảm, xuất hiện nhiều cặn mầu đen. Ông Dương Văn Vận (80 tuổi), sống tại thôn 1, xã Phụng Thượng bày tỏ: “Gia đình dùng nước máy một vài năm nhưng chất lượng không được tốt lắm. Nước bơm không đều và không thật sự bảo đảm, vẫn có lắng cặn. Nhiều hộ trong xã cũng đã ý kiến với nhà máy nước nhưng chưa có phản hồi. Bởi thế, tạm thời chúng tôi chỉ dùng để nấu ăn và đun uống thôi nhưng vẫn phải qua máy lọc”.

Ông Đinh Thế Bình (66 tuổi), sống tại thôn 9, xã Liên Hiệp kỳ vọng: “100% người dân chúng tôi mong chính quyền đẩy nhanh tiến độ lắp đường ống nước. Ngoài ra, cũng mong chính quyền địa phương và doanh nghiệp quản lý trạm cấp nước tập trung thường xuyên kiểm tra chất lượng nước. Chứ như ở xã Hiệp Thuận, họ có dùng nước máy nhưng vẫn có lúc bị cặn. Bao nhiêu năm chờ đợi nước sạch mà khi có nước máy lại không sạch bằng giếng khoan thì thiệt thòi cho người dân lắm”. Giải quyết vấn đề này, UBND huyện Phúc Thọ đã đề nghị các đơn vị quản lý trạm cấp nước tập trung phải thường xuyên gửi mẫu xét nghiệm nước định kỳ để phối hợp giám sát, tuyên truyền công khai giúp người dân yên tâm sử dụng.