Giải bài toán chi phí định mức xăng, dầu

Mới đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu tiếp tục kiến nghị được tăng chi phí định mức trong cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng xăng, dầu. Việc này là thiết thực, tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong lúc khó khăn chung do giá xăng, dầu tăng, cần có sự chia sẻ từ nhiều phía...
0:00 / 0:00
0:00
Các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn xăng, dầu có mức giá tốt để tiết giảm chi phí. Ảnh: SONG ANH
Các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn xăng, dầu có mức giá tốt để tiết giảm chi phí. Ảnh: SONG ANH

Kiến nghị tăng chi phí định mức

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Hải cho biết, mức chiết khấu mặt hàng xăng, dầu từ tháng 7 đến nay là 0-50 đồng/lít, không đủ chi phí trả lương, đóng bảo hiểm cho người lao động,... khiến cho việc kinh doanh xăng, dầu càng bán càng lỗ. Tương tự, bà Lê Thị Nhã, chủ doanh nghiệp tư nhân Văn Phúc (Hà Nội) cho rằng, lợi nhuận kinh doanh suốt hai tháng nay không đủ trả tiền điện vì chiết khấu không có. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa.

Nguyên nhân của việc này được xác định là do các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như: Premium trong nước (khoản chênh lệch so với giá thế giới), chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí vận tải tạo nguồn trong nước, chi phí định mức... chưa được kết cấu đủ trong giá cơ sở.

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức do Bộ Tài chính xác định và thông báo hằng năm để Bộ Công thương áp dụng trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu. Các chi phí này đã được áp dụng từ năm 2014 nên các doanh nghiệp đánh giá đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Phân tích về vấn đề này, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, khoản 4 Điều 6, Thông tư số 104 của Bộ Tài chính có nêu: “Định kỳ ngày 10/1, ngày 10/7 hằng năm (trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì lùi sang ngày làm việc tiếp theo), Bộ Tài chính thông báo khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để Bộ Công thương áp dụng, tính toán giá cơ sở”. Còn khoản 3 Điều 7 nêu: “Định kỳ trước ngày 1/7 hằng năm, Bộ Tài chính thông báo chi phí kinh doanh định mức để Bộ Công thương áp dụng, tính toán trong công thức giá cơ sở xăng, dầu.

Tuy nhiên, phản ánh từ các thương nhân đầu mối cho thấy, đến thời điểm điều chỉnh định kỳ, nhưng các khoản chi phí trên vẫn giữ nguyên và chưa được thay đổi cho phù hợp thực tiễn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong sáu tháng cuối năm 2022. Bởi lẽ, thực tế, theo Hiệp hội Xăng dầu, sáu tháng đầu năm, do ảnh hưởng của địa chính trị khiến giá sản phẩm tăng cao, dẫn đến khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng cũng tăng theo. Ngoài ra, chi phí kinh doanh định mức của một số thương nhân đầu mối lớn theo kết quả kiểm toán năm 2021 tăng, do những chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng.

Do đó, để ổn định nguồn cung xăng, dầu, cũng như bù đắp đủ chi phí kinh doanh và không phát sinh lỗ cho thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, Petrolimex và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh theo hướng phản ánh đầy đủ các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở nêu tại chu kỳ điều hành giá sớm nhất tiếp theo.

Bộ Công thương cũng cho biết đã nhiều lần kiến nghị điều này. Theo Bộ này, ngay từ thời điểm tháng 2/2022, khi giá xăng, dầu có biến động mạnh, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các loại chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu như: chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (do đã áp dụng từ năm 2014), chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước. Đến nay, bộ này đã có kiến nghị bốn lần với Bộ Tài chính.

“Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ mới điều chỉnh mức chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế mà chưa điều chỉnh mức premium trong nước và chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng theo thực tế rà soát. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng, dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng, dầu, dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng, dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng, dầu liên tục cho thị trường”, Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Giải bài toán chi phí định mức xăng, dầu ảnh 1

Các doanh nghiệp xăng, dầu đang gặp khó khăn vì chiết khấu thấp. Ảnh: NGUYỆT ANH

Cần sự chia sẻ từ nhiều phía

Thông tin với Thời Nay về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ mong muốn Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương điều hành để các doanh nghiệp đầu mối xăng, dầu bảo đảm được nguồn cung trong mọi tình huống; đồng thời có kế hoạch nguồn hàng phù hợp, sắp xếp quản trị doanh nghiệp hiệu quả để tiết giảm chi phí hoạt động kinh doanh. Hằng năm sẽ có hai đợt rà soát lại các yếu tố làm thay đổi cơ cấu giá xăng vào đầu và giữa năm. Trên cơ sở rà soát đó, doanh nghiệp sẽ có kiến nghị đối với cơ quan quản lý.

Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Bộ Công thương về vấn đề điều chỉnh định mức trong giá cơ sở xăng, dầu. Cụ thể, trong văn bản ngày 10/7/2022 gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính cho biết, kết quả tổng hợp báo cáo của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu gửi về Bộ Tài chính, Bộ Công thương cho thấy, khoản chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng tăng so với định mức hiện hành trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu.

“Tuy nhiên, để hạn chế tác động tăng giá, chia sẻ khó khăn giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, trước mắt không điều chỉnh tăng khoản premium trong nước và chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, trong công thức tính giá cơ sở xăng, dầu”, Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công thương tại Công văn 384/BCT-TTNT ngày 8/7/2022, Bộ Tài chính đã tăng chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam đối với xăng nền phối trộn xăng E5 RON 92 lên 350 đồng/lít (tăng 60 đồng); xăng RON 95 lên 720 đồng/lít (tăng 350 đồng); dầu diezen 0,05S lên 570 đồng/lít (tăng 340 đồng); dầu hỏa lên 1.080 đồng/lít (tăng 650 đồng); dầu madut 180cst 3,5s lên 1.290 đồng/kg (tăng 390 đồng).

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng, dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn xăng, dầu có mức giá tốt, tiết giảm chi phí. “Trong lúc khó khăn chung do giá xăng, dầu tăng cao, cần có sự chia sẻ từ nhiều phía: Bộ Tài chính đề xuất, xây dựng chia sẻ về thuế, phí; Bộ Công thương, doanh nghiệp chia sẻ bằng nâng cao năng lực quản lý, quản trị và cả lãi nữa”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.