Chị Lâm có chụp hình ảnh một thương binh về thăm Thành cổ ngày 12/7. Tôi tìm số điện thoại của ông và đến gặp ông. Ông là Nguyễn Tứ Quý, sinh năm 1953, quê thôn Trường Xuân, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; thương binh hạng 2/4.
Đang học lớp 8 ở quê nhà, ông khai thêm 1 tuổi để đủ 18, viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Tháng 8/1971, ông trở thành lính bộ binh thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 của Sư đoàn 325. Tháng 5/1972, đơn vị của ông vào Quảng Trị chiến đấu, đến tháng 9 rút khỏi Thành cổ, chiến đấu ở chốt của xã Triệu Hải, huyện Triệu Phong. Đạn pháo của địch ào ạt, tới tấp bắn từ Cửa Việt, cùng nhiều xe tăng địch ồ ạt tiến công. Đang ôm trên vai đạn B40 thì cánh tay trái của ông bị đạn pháo rơi trúng. Cánh tay gần đứt, đồng đội đã dùng dao cắt bỏ tại chỗ và tạm thời băng bó vết thương. Vì mất rất nhiều máu, ông bất tỉnh tại trận địa từ 9 giờ sáng đến hơn 5 giờ chiều hôm đó. Ông được vận chuyển về tuyến sau ở Vĩnh Linh và đưa ra bắc điều trị.
Ông còn bị phơi nhiễm chất độc màu da cam khi chiến đấu ở Hướng Hóa-Quảng Trị. Nhiều năm qua, ông bị căn bệnh tiểu đường cùng với suy thận độ 1, ba lần phải mổ tim vì hẹp mạch vành. Mỗi lần trái gió, trở trời là lúc cơ thể lại bị tra tấn bởi những cơn đau giật bắn người. Giữa tháng 7 này, ông cùng các cựu chiến binh vào Quảng Trị gặp lại các đồng đội đang nằm ở các nghĩa trang liệt sĩ và rất nhiều liệt sĩ đã hóa xương thịt mình nơi dòng sông Thạch Hãn của 50 năm trước.
Những người lính tuổi mười tám, đôi mươi gắn với dòng sông Thạch Hãn bi tráng ấy, giờ cũng đã 70 tuổi. Cứ mỗi khi đến tháng 7 linh thiêng, dù sức khỏe ngày càng kém đi kèm theo rất nhiều bệnh tật, di chứng của chiến tranh đã và đang đọa đày thân thể nhưng ông Quý và các cựu chiến binh Thành cổ năm xưa lại hẹn nhau về thăm lại chiến trường của mùa hè đỏ lửa, thắp lên phần mộ các đồng đội những nén tâm hương ở các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Đường 9, thả xuống dòng Bến Hải, Hiếu Giang, Thạch Hãn những ngọn nến hồng lung linh trong đêm chứa đầy nghĩa tình đồng đội.
Chia tay cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị khi trời đã khuya, lòng tôi chứa đầy sự trăn trở với nhiều cảm xúc đan xen. Tôi mong mình luôn có sức khỏe tốt để có thể đi thăm viếng nhiều di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, để có thể viết về những người lính, những thương binh, liệt sĩ từng xếp bút nghiên lên đường ra trận. Tôi tin, các giáo viên sử khi đến những địa chỉ như vậy sẽ dạy sử hay hơn, thuyết phục hơn. Nhắc lại ký ức đau thương để càng trân quý hòa bình.