Năm học 2018 - 2019, lần đầu nội dung GDDS được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội đưa vào chương trình học tập cho HS Thủ đô một cách có hệ thống và phù hợp từng lứa tuổi. Nhận thức được tầm quan trọng của việc GDDS cho thế hệ trẻ, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng một số chương trình chuyên sâu cho HS các cấp. Trong đó, nổi bật là hai chương trình “Em làm nhà khảo cổ” (dành cho cấp tiểu học, tại Khu di tích Khảo cổ học, 18 Hoàng Diệu) và “Em tìm hiểu di sản” (cấp THCS, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long). Đây là hướng tiếp cận mới trong GDDS bằng việc tạo ra những chương trình chơi mà học, học mà chơi, giúp các em chủ động khám phá, tìm hiểu lịch sử nói chung và di sản nói riêng.
Tại Hội nghị sơ kết chương trình GDDS vừa diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Ban tổ chức nhận định sau một năm triển khai, chương trình GDDS đã phát huy được những mặt tích cực, thu hút đông đảo HS tham gia và từng bước lan tỏa trong cộng đồng. Chương trình đã tạo điều kiện để HS tiếp cận và hiểu thêm di sản, từ đó giúp các em thêm yêu lịch sử, trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử của cha ông, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu của HS tham gia chương trình GDDS, Trung tâm đã xây dựng nhiều nội dung chuyên đề học tập như bộ tài liệu, bảng hỏi, phiếu hoạt động cụ thể đi kèm hình ảnh sinh động. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm tái hiện nét văn hóa truyền thống của cha ông thông qua các chương trình như Tết Việt, Tết Đoan ngọ, Vui Tết Trung thu... để phục vụ các em. “Qua một năm triển khai, chương trình GDDS đã có 19.086 HS tham gia tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, số lượng HS tham quan tự do ở cả hai di tích là 100.000 em”, ông Quang cho biết.
Bên cạnh những kết quả đạt được sau một năm triển khai, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, chương trình GDDS vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như hạ tầng trong khu di sản chưa đáp ứng khi số lượng HS đến đông, cùng thời điểm (hơn 3.000 em) dẫn đến quá tải một số khu vực đón tiếp. Bên cạnh đó là tài liệu còn hạn chế cũng như thiếu các nhà nghiên cứu để tương tác với HS. Nguyên nhân một phần do các nhà trường chưa tiếp cận được chương trình cụ thể, một phần do không có kinh phí tham gia, hoặc tham quan nhiều điểm một buổi nên không đáp ứng được thời gian.
Để khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao chất lượng chương trình GDDS, ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình ở cả hai khu di tích. Từng bước nâng cao chất lượng, hướng tới mục tiêu bền vững và tập trung vào nội dung cụ thể, như đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào thành các chuyên đề như di sản xanh, di sản không rác thải nhựa, di sản không khói thuốc... Bên cạnh đó, trung tâm và Sở GD&ĐT sẽ bổ sung một số nội dung mới như tổ chức lễ dâng hương, lễ báo công và lễ kết nạp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh tại Điện Kính Thiên với chủ đề “Rồng lại bay trên đất nghìn năm văn hiến”. Tổ chức chuyên đề tìm hiểu lịch sử với chủ đề “Điện Kính Thiên trong lịch sử”, chuyên đề giáo dục môi trường, triển khai một số hoạt động ứng dụng công nghệ phục vụ chương trình như game GDDS, tương tác “Chiếc bàn khảo cổ kỳ thú”.
Bên cạnh đó, trung tâm sẽ nâng cấp và duy trì sân chơi tại khu vực Hậu lâu, bổ sung đáp ứng đủ cơ sở vật chất, đồ dùng, dụng cụ phục vụ HS tham gia chương trình nhằm kiên trì với mục tiêu hướng di sản văn hóa với giáo dục, góp phần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn những di sản quý giá của dân tộc.