Đường sắt báo lãi sau ba năm hậu Covid-19

Sau ba năm bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, lần đầu tiên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) báo lãi 94,8 tỷ đồng với tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 8.503,8 tỷ đồng. Tiếp tục đổi mới phương thức điều hành, giai đoạn 2023-2025, VNR được giao chỉ tiêu đạt lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn là một trong những lợi thế của đường sắt.
Vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn là một trong những lợi thế của đường sắt.

Áp lực cạnh tranh

Năm 2023, các hoạt động du lịch phục hồi và phát triển trở lại đã giúp thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt tăng trưởng cao. Đặc biệt năng lực chạy tàu trên tuyến đường sắt bắc-nam cũng được cải thiện khi các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga (thuộc gói 7.000 tỷ đồng) đưa vào khai thác. Nắm bắt cơ hội đó, VNR đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nâng sản lượng, doanh thu vận tải như tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện các chương trình khuyến mãi hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí vào các thời kỳ thấp điểm; có nhiều chính sách để thu hút các đối tác thuê nguyên toa từ các doanh nghiệp tổ chức du lịch; phối hợp ưu tiên chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế và chạy thêm các đoàn tàu hàng thường… Nhờ triển khai hàng loạt giải pháp nên năm 2023, tổng doanh thu hợp nhất của đơn vị đã đạt 8.503,8 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch năm), lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của VNR vào chiều 9/1, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR cho biết: Lộ trình kế hoạch sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2021-2025, VNR phấn đấu mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Lợi nhuận trước thuế của VNR giai đoạn 2023-2025 là lãi 327 tỷ đồng.

Nhìn nhận về những thách thức, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh cho biết, sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn do bị cạnh tranh với phương tiện vận tải hàng không và đường bộ về giá vé, thời gian vận chuyển và sự tiện lợi.

Cần có cơ chế riêng cho đường sắt

Đưa ra chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, VNR cho biết sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phương tiện, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức điều hành, quản trị đáp ứng nhu cầu vận hành, sử dụng và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt quốc gia. Để hoàn thành các mục tiêu sản xuất, kinh doanh, VNR kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt giao Tổng công ty lập phương án theo phương thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho Tổng công ty các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác. VNR đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải giao cơ quan chuyên ngành lập quy hoạch chi tiết đường sắt; xác định công năng, mục đích sử dụng thực tế đối với diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và công trình công nghiệp đường sắt. Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua, thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuê đất tại các đơn vị.

Tham dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao các bộ, ngành liên quan phối hợp các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các kiến nghị của VNR.

Đánh giá cao những kết quả VNR đã đạt được, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng ngành đường sắt vẫn chưa phát triển xứng tầm lịch sử và mong muốn của nhân dân; đồng thời, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phát triển ngành đường sắt xứng tầm, hiện đại, góp phần hoàn thiện đồng bộ các phương thức giao thông tốt hơn. Với tinh thần trách nhiệm cao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết tâm phải quyết tâm cao hơn nữa, đã nỗ lực phải nỗ lực nhiều hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt mức kế hoạch được giao, khẳng định vị trí, vai trò trọng yếu trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia.

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc-nam, VNR đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác nghiên cứu xây dựng đề án gồm: Tổ tái cơ cấu, mô hình tổ chức VNR; tổ phát triển công nghiệp đường sắt; tổ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao. Song song đó, VNR tích cực tham khảo kinh nghiệm, học hỏi mô hình tổ chức, đầu tư, vận hành và khai thác đường sắt tốc độ cao của các nước để ứng dụng vào Việt Nam.