1/ Khoảng 19 giờ tối, nước đã bắt đầu dâng cao, số điện thoại đường dây nóng của Đội xuồng cứu hộ Đà Nẵng liên tục có cuộc gọi từ người dân nhờ hỗ trợ đưa gia đình di tản đến nơi cao ráo. Cùng với đó, thông tin cần được giúp đỡ từ nhiều người trên mạng xã hội và trang Facebook của Đội cũng liên tục xuất hiện. Ngay lập tức, anh em chia ra các nhánh tiếp cận địa bàn đang bị ngập theo thông tin người dân đã gọi.
Trong lúc nhóm đi ra ngoài thì một người ở lại trực thông tin để thống kê các trường hợp, sắp xếp theo mức độ ưu tiên (người già, trẻ em, người bệnh, nơi chịu ngập sâu, số lượng người mắc kẹt...) thông báo cho các thành viên tiếp cận nhanh chóng.
Mọi người sử dụng xe bán tải chở theo bốn xuồng cứu hộ cùng các thiết bị hỗ trợ cần thiết đến các địa điểm tại Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) với bảy người lớn và 10 trẻ em, khu vực quận Thanh Khê và hai xuồng tới chung quanh vị trí phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Mưa to kèm nước dâng cao, dù sử dụng xe bán tải nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian mới có thể tiếp cận được các trường hợp cần hỗ trợ.
Anh Phan Minh Việt, thành viên Đội xuồng cứu hộ đã cùng anh em tham gia cứu hộ tại quận Liên Chiểu. Tối đó, sau khi kiểm tra hết tình hình nhà cửa đồ đạc của mình, anh cùng mọi người nhanh chóng lên đường. Phải 1,5 giờ đồng hồ sau nhóm của anh mới tiếp cận được trường hợp tại cầu Đa Cô, cứu được ba hộ dân đưa đến nơi an toàn. “Nước ngập sâu lắm, anh em đi đường biển Nguyễn Tất Thành, rẽ lên Kinh Dương Vương ra Nam Trân tới bến xe thành phố thì cả đội không thể đi được nữa, đành vác xuồng lội bộ, may gặp lực lượng quân đội nên đi xe cứu hộ để đến được các vị trí”, anh Việt nhớ lại.
Ngay khi xong trường hợp chỗ cầu Đa Cô, anh Việt cùng mọi người lên vị trí đường Mẹ Suốt, khu vực đang ngập rất sâu, nhiều hộ sống trong các ngôi nhà cấp 4 phải leo lên nóc nhà chờ cứu. Mỗi nhóm sẽ có nhiều người cùng hỗ trợ và phối hợp với cán bộ tại địa phương đi cùng để chỉ đường. Ngoài xuồng, các thành viên cũng trang bị sẵn các thiết bị, dây neo, phao để những người dân có thể theo dây đi ra khỏi khu vực ngập.
Tối đó, cả đội với 16 thành viên đã hoạt động xuyên đêm tới 7 giờ sáng ngày hôm sau mới trở về nhà để nghỉ ngơi. Không ai nhớ được mình hỗ trợ được bao nhiêu trường hợp, cứu được bao nhiêu người từ những cuộc điện thoại “cháy máy” về tổng đài hay hàng trăm tin nhắn lên trang nhờ giúp đỡ. “Đã nhiều lần cả đội đi các tỉnh để hỗ trợ bà con, nhưng lần này thật sự đáng sợ. Hiện giờ thành phố đã ổn, nhưng các tỉnh khác vẫn đang chịu ảnh hưởng nên tùy tình hình chúng tôi luôn sẵn sàng để đi hỗ trợ các địa phương”, anh Trần Đình Khoa, Đội trưởng Đội xuồng cứu hộ Đà Nẵng chia sẻ.
2/ Thấy khu vực quanh mình ở đang ngập sâu, Nguyễn Minh Đức (2004), sinh viên năm nhất Trường cao đẳng FPT Đà Nẵng đã đến lực lượng cứu hộ địa phương xin được tham gia đi ứng cứu người dân. Đức biết bơi từ nhỏ, quê em ở huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), nơi cũng hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai nên em cũng biết rõ sự lo lắng của người dân.
Lội đến đường Mẹ Suốt, gặp lực lượng công an, quân đội và chính quyền đang thực hiện công tác ứng cứu, em đã “năn nỉ” để được tham gia. Ngay sau đó, được sự đồng ý của chỉ huy hiện trường, Đức mặc áo phao, cùng các chiến sĩ, lực lượng chức năng giúp người dân di tản khỏi khu vực ngập lụt đến nơi cao ráo. Đây là khu vực chịu ngập khá lớn, điện bị mất hoàn toàn, trời tối, nước dâng cao tới ngực, ban đầu Đức cũng có chút lo lắng, nhưng khi được các anh bộ đội trang bị áo phao và dặn phối hợp để đi cùng thì em cũng yên tâm hơn.
Sau một đêm, người tái nhợt vì ở dưới nước lâu và lạnh, Đức vẫn cảm thấy ấm lòng khi có thể giúp được mọi người vượt qua khó khăn. “Cứu được người dân ra ngoài an toàn, em mừng lắm. Vậy nhưng khi tham gia cùng lực lượng mới thấy, các anh bộ đội, cảnh sát, dân quân... mới là những người bất chấp nguy hiểm, lao vào dòng nước lũ để cứu người dân, em chỉ góp một chút sức lực để phụ mấy anh thôi”, Đức bộc bạch.