Muốn đồng hành cùng con
Gia đình chị Loan vừa trải qua một cuối tuần đặc biệt bên nhau. Không cần đi cà-phê, ăn uống ngoài hàng, cũng chẳng phải chen chúc siêu thị mua sắm, vợ chồng chị cùng con gái ngồi tại nhà giải đề thi, ước lượng số điểm con có thể đạt được trong các bài trắc nghiệm và trò chuyện. Kim Anh, con gái chị Loan kể cho cha mẹ về những trải nghiệm trong kỳ thi lớn như tâm lý lo lắng trước giờ phát đề, cảm giác hụt hẫng khi phát hiện mình đánh dấu sai nhiều câu đơn giản. Với môn Toán, Kim Anh vừa kể vừa rơm rớm nước mắt vì mình không đạt được kết quả như mong muốn.
Thấy con gái vẫn buồn vì mắc lỗi trong bài thi, chị Loan ôm con vào lòng, nhỏ nhẹ: “Không sao đâu con, ai đi thi cũng căng thẳng. Mình cứ dựa vào khả năng, chọn trường phù hợp thôi, ba mẹ tin con đã làm tốt hết sức”. Kim Anh nở nụ cười, giọng cô bé đã vui dần: “Cảm ơn vì ba mẹ đã đưa rước và đợi chờ con suốt mấy ngày thi. Ba mẹ biết không, con hạnh phúc lắm”.
Việc đưa đón, sốt ruột đợi chờ khi con cái tham gia các kỳ thi quan trọng đã diễn ra từ trước đến nay. Thế nên, khi trên mạng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, phụ huynh cứ mãi chăm bẵm, con cái sẽ mất đi cơ hội trưởng thành, chị Loan khá bức xúc. Chị nói, có nhiều cách để con trưởng thành nhưng việc yêu thương con đúng lúc bao giờ cũng quan trọng hơn. Vậy nên mặc ai phê phán, gia đình chị vẫn dành trọn tâm sức cho kỳ thi vừa qua của con gái đầu lòng.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam, nhà sáng lập Ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay khẳng định, “trưởng thành” là một hành trình lâu dài và phức tạp nên không chỉ phụ thuộc vào việc phụ huynh có đưa đón con đi thi THPT hay không. Việc phụ huynh hỗ trợ, động viên con trong quá trình học tập và thi cử là điều quan trọng, có thể giúp các bạn cảm thấy an toàn, tự tin, làm bài tốt hơn chứ không hề ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Buông tay cần có chủ đích
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học Việt Nam, giảng viên Trường đại học Mở cho rằng, cha mẹ xin nghỉ phép đưa đón, chăm sóc kỹ hơn cho con trong kỳ thi quan trọng chẳng có gì đáng lên án vì đó là cách tốt nhất họ thể hiện tình yêu thương với con mình: “Mỗi gia đình, một đứa trẻ là một bức tranh khác nhau, phụ huynh nên tâm tình, trao đổi để hiểu, tạo môi trường gần gũi cùng con trước vì đây sẽ là cơ hội giúp cha mẹ biết mình nên làm gì để yêu thương, che chở con một cách hợp lý nhất”.
Cũng theo ông Long, tiền trưởng thành là giai đoạn có vai trò quan trọng và dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong cuộc đời mỗi người. Khi thay đổi cả về thể xác lẫn tâm lý, nhân cách, ngoài việc tiếp thu những tri thức, kỹ năng từ môi trường chung quanh hay quá trình tự chắt lọc kiến thức phù hợp nhất với bản thân, trẻ rất cần sự tương tác, đồng hành của gia đình.
Theo Tiến sĩ An, ở giai đoạn tiền trưởng thành, nếu có được môi trường an toàn và đủ đầy yêu thương cũng như sự ngợi khen, động viên đúng lúc, trẻ sẽ được tạo điều kiện tối đa để phát triển toàn diện. Ông An cho rằng, mỗi gia đình cần dành không gian cho việc thảo luận và đánh giá các quan điểm khác nhau, giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề. Đồng thời cha mẹ cần hỗ trợ con trong việc tìm hiểu và phát triển những đam mê, tài năng riêng cũng như tính tự lập. “Buông tay không có nghĩa là hoàn toàn lơ là và không quan tâm đến con. Thay vào đó, nó đề cao việc trao cho con sự tự tin và động lực để tự mình đối mặt với thử thách cũng như học cách giải quyết vấn đề. Việc cung cấp một môi trường an toàn và ủng hộ, trong đó con cảm thấy được yêu thương và tin tưởng, là cách tốt nhất để khuyến khích con trưởng thành”, ông An cho biết thêm.