Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Tố Hữu

Đồng hành cùng đất nước và nhân dân

Sự nghiệp văn học cách mạng của nhà thơ Tố Hữu mở ra với tập thơ “Từ ấy” mà bài thơ đầu tiên mở tập cũng đồng thời là tên chung cho toàn bộ tập thơ. Bài thơ được viết ra khi người thanh niên Nguyễn Kim Thành vừa tròn 18 tuổi. 

Nhà thơ Tố Hữu và tập thơ "Gió lộng". Ảnh: TL
Nhà thơ Tố Hữu và tập thơ "Gió lộng". Ảnh: TL

1. Ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người ấy, chàng thanh niên đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tự xác lập con đường mình sẽ chọn, cả cuộc đời đứng về phía đất nước và nhân dân: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim… Tôi buộc lòng tôi với mọi người/Để tình trang trải với trăm nơi/Để hồn tôi với bao hồn khổ/Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời. 

Hiếm tập thơ nào như “Từ ấy”, khi mà lời ghi chú dưới các bài thơ cho ta biết các tác phẩm được viết trong chốn lao tù. Nào là xà lim số 1 lao Thừa Thiên (“Tâm tư trong tù”, “Con chim của tôi”, “Nhớ người”…), nhà giam Lao Bảo (“Năm xưa”, “Con cá chột nưa”, “Trăng trối”…), nhà tù ở Buôn Ma Thuật (“Quyết hy sinh”), xà lim Quy Nhơn (“Người lính đêm”, “Đời thợ”…). Nhiều bài khác cũng viết trong tù hoặc trên đường chuyển lao như: “Khi con tu hú”, “Tiếng hát đi đày”…

2. Vượt bao hiểm nguy, thử thách, bao khó khăn gian khổ, nhà thơ - người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu thoát khỏi tù ngục, tiếp tục đồng hành cùng cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc bằng những bài thơ có sức mạnh lớn lao. Tập thơ “Việt Bắc” (1946 - 1954) là sự nối tiếp đầy mạnh mẽ sau “Từ ấy” với những khắc họa sâu đậm về tình quân dân thắm thiết, tình cảm miền núi với miền xuôi. Bài thơ được lấy làm nhan đề cho cả tập là một khúc giao duyên lục bát tâm tình sâu lắng: “Ta về mình có nhớ ta/Ta về ta nhớ những hoa cùng người/Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng/Ngày xuân mơ nở trắng rừng/Nhớ người em gái chuốt từng sợi giang/Ve kêu rừng phách đổ vàng/Nhớ cô em gái hái măng một mình/Rừng thu trăng rọi hòa bình/Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. 

Tập “Việt Bắc” dựng lên hình ảnh bà mẹ kháng chiến với bao mến thương những người con bộ đội. Từ bà mẹ Việt Bắc cho đến bà Bủ, đến Bầm…, nỗi nhớ của những người con với mẹ còn mang nặng niềm thương những khó nhọc vất vả của cuộc sống một nắng hai sương: “Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn… Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”. Hình tượng người mẹ trong những bài thơ ở các tập sau này của Tố Hữu như mẹ Tơm (tập “Gió lộng”), mẹ Suốt (tập “Ra trận”) trở thành những tượng đài lộng lẫy và bất khuất về phẩm chất anh hùng cách mạng.

Chất anh hùng ca, chất sử thi trong thơ Tố Hữu là một dòng cảm hứng xuyên chảy qua hết thảy các tập thơ “Việt Bắc”, “Gió lộng” rồi “Ra trận”, “Máu và hoa”. Đánh dấu chiến thắng Điện Biên lịch sử, nhà thơ viết nên khúc khải hoàn “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” với những câu thơ tạc vào năm tháng: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”. Bao hy sinh xương máu ấy mang lại sức sống trường tồn và bất diệt cho dân tộc: “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. 

3. Nhắc đến sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu, không thể không kể đến những bài thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Từ tập thơ đầu tay, Tố Hữu đã viết bài thơ đầu tiên mang tên “Hồ Chí Minh”: “Hồ Chí Minh/Người lính già/Đã quyết chiến hy sinh/Cho Việt Nam độc lập/Cho thế giới hòa bình”. Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Tố Hữu ngày càng trở nên gần gũi, thân thương qua một loạt các bài thơ những giai đoạn sau như “Sáng tháng Năm”, “Bác ơi”, “Theo chân Bác”. Hình ảnh Bác Hồ còn đi vào nhiều câu thơ trong các bài thơ khác như “Việt Bắc”, “Ba mươi năm đời ta có Đảng”: “Nhớ ông Cụ mắt sáng ngời/Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/Nhớ Người những sớm tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi rừng núi trông theo bóng người” hay “Bạc phơ mái tóc người Cha/Ba mươi năm Đảng nở hoa tặng Người”. Khi Bác Hồ kính yêu không còn nữa, Tố Hữu đã viết những câu thơ khóc Bác bằng tấm lòng của một người con khóc cha: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/Thơm cho ai nữa hỡi hoa nhài/Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/Quanh mặt hồ in mây trắng bay” (Bác ơi).

4. Thơ của Tố Hữu còn có hình ảnh những người lao động bình thường nhất, giản dị nhất như chị lao công trên đường Trần Phú. Có lẽ đối với nhà thơ, đây cũng chính là những người anh hùng thầm lặng, đang ngày đêm góp phần bé nhỏ của mình để làm đẹp thêm cho mỗi con đường: “Nhớ em nghe/Tiếng chổi tre/Chị quét/Những đêm hè/Đêm đông gió rét/Tiếng chổi tre/Sớm tối/Đi về”. Thơ Tố Hữu cũng không thiếu những câu về tình yêu đôi lứa. Đó là một tình yêu của thời chiến kín đáo mà cảm động: “Mưa rơi dầm lá cọ/Mái tóc em ướt rồi/Đôi má em bừng đỏ/Muốn hôn quá… mà thôi”.

Tố Hữu thuộc về lớp nhà thơ cách mạng tiêu biểu hàng đầu trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Dõi theo tác phẩm của ông, có thể thấy được một biên niên sử của đất nước và con người Việt Nam. Cả cuộc đời ông luôn đồng hành cùng đất nước và nhân dân. Những câu thơ cuối cùng ông để lại cho chúng ta càng khiến những thế hệ sau thêm hiểu và kính trọng ông hơn, một nhà thơ, một người lính trung kiên và thanh bạch, giản dị cho đến giây phút cuối cùng: “Xin tạm biệt đời yêu quý nhất/Còn mấy vần thơ một nắm tro/Thơ gửi bạn đường, tro bón đất/Sống là cho và chết cũng là cho”.