Đốc thúc giải ngân hỗ trợ người lao động

Đã qua ngày 15/8 là thời điểm ngừng tiếp nhận hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong gói 6.600 tỷ đồng. Hiện, đã có 22 tỉnh, thành phố hoàn thành giải ngân khoản hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để đốc thúc, chỉ đạo gỡ khó, nhất là khi ngân sách trung ương đã hoàn thành tạm ứng 70% về địa phương (từ tháng 7).
0:00 / 0:00
0:00
Dự án chung cư nhà ở xã hội D7-D10 (phường Mỹ Bình, TP Phan Rang-Tháp Chàm) góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp. Ảnh: VĂN HẢI
Dự án chung cư nhà ở xã hội D7-D10 (phường Mỹ Bình, TP Phan Rang-Tháp Chàm) góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp. Ảnh: VĂN HẢI

Quy định chỉ cần mỗi lá đơn…

Cuối tháng 3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động ở mức là 1,5-3 triệu đồng/người và tối đa là ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm có hợp đồng lao động đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động. Dự kiến, khoảng 3,4 triệu lao động sẽ thuộc diện hỗ trợ và điều kiện được cho là khá đơn giản. Thế nhưng vì sao lại chậm?

Sau khi nhận được thông báo về gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chị Nguyễn Thanh Hà và nhiều lao động khác tại Công ty cổ phần Tiến Thành (Khu Công nghiệp Quế Võ 1, Bắc Ninh) đã phải khai đi khai lại nhiều lần, vì sai, vì thiếu thông tin, chưa kể mất thời gian để đi xin xác nhận. Chị Hà chia sẻ: “Chủ nhà trọ không hợp tác, không tin tưởng trao cho mình thông tin cá nhân vì họ sợ mình dùng thông tin đó để đi lừa đảo, vay mượn tiền”. Một lao động khác, chị Mai Thị Huyền nói: “Chúng tôi đã phải mất hơn nửa tháng để giải thích và thuyết phục, chủ nhà trọ mới chấp thuận và làm xác nhận cho”.

Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn không ít. Chị Trần Thị H., bộ phận nhân sự, Công ty TNHH Thiết bị nội thất Thái Dương (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) chia sẻ: “Chỉ cần lao động xác nhận chưa đúng là phải làm lại từ đầu. Chưa kể các cơ quan quản lý, mỗi lúc lại ra một văn bản quản lý hướng dẫn khác nhau. Thông tin hướng dẫn từ trên tỉnh, trên huyện xuống thay đổi liên tục và bọn em sẽ phải cập nhật theo. Sau khi được bộ phận Bảo hiểm và Lao động-Thương binh và Xã hội ở huyện hướng dẫn, chúng em mới làm được đúng giấy tờ và chuyển đi”.

Với một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp thì mãi đến tận tháng 7 mới có hướng dẫn triển khai. Nhiều cán bộ nhân sự tại các khu công nghiệp phía bắc phản ánh: “Không có một văn bản hướng dẫn cho doanh nghiệp về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, các doanh nghiệp phải tự trao đổi, học hỏi lẫn nhau”.

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: “Nhiều địa phương, thậm chí một số doanh nghiệp đã bổ sung thêm quy định. Nhưng những quy định này lại không công bố nên đã làm phức tạp thêm vấn đề”. Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, về thủ tục, người lao động chỉ cần làm duy nhất đơn gửi tới doanh nghiệp, như vậy đã hoàn thành nhiệm vụ khai báo của mình, chỉ chờ cơ quan nhà nước xác nhận và chuyển tiền vào tài khoản. Đối với doanh nghiệp, chỉ cần báo cáo sang UBND cấp huyện, không cần báo cáo hai nơi (UBND và Bảo hiểm xã hội cấp huyện).

Ông Vũ Trọng Bình nhấn mạnh: Đây là gói hỗ trợ đặc biệt và giao trách nhiệm phần lớn cho doanh nghiệp. Vì đây là một quyết định hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp nên cần phải nhanh, phải gấp rút. Đây là gói hỗ trợ chính sách nhưng để giữ chân người lao động và mục đích là phục hồi thị trường lao động. Với những doanh nghiệp có số lượng hồ sơ lớn như mấy trăm nghìn, mấy chục nghìn thì chúng tôi xuống tận nơi làm việc và trong điều kiện đó, doanh nghiệp phải huy động thêm nhân sự.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Còn các cơ quan quản lý, cụ thể là các phòng trực thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội của các tỉnh, thành phố và cả các UBND đang làm gì trong thời gian nước rút này?

Tại Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện An Dương, TP Hải Phòng, nơi tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động từ doanh nghiệp trên địa bàn chuyển lên, đến thời điểm này vẫn chỉ có hai cán bộ tiếp nhận và thẩm tra tới 13 nghìn hồ sơ, chủ yếu là gộp cả ba tháng. Mỗi hồ sơ phải kiểm tra từng tháng, xác nhận đúng quy định. Chưa kể, số hồ sơ phải xác minh lại, tránh trục lợi cũng cần có sự xác nhận, trao đổi thông tin giữa Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội với UBND các xã, thị trấn và lực lượng công an nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ.

Để thúc đẩy nhanh việc thực hiện gói hỗ trợ này, đến nay, có những địa phương phải tính đến nhờ những phần mềm hỗ trợ. Như UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát lại hệ thống phần mềm có những hỗ trợ để giảm gánh nặng cho các địa phương trong khâu nhập liệu.

Thực tế cho thấy, hiện chúng ta đang rất thiếu các cơ sở dữ liệu về quản lý lao động và người lao động. Nếu đã có sẵn trong các kho dữ liệu thì tất cả các bên sẽ không phải vất vả và gói hỗ trợ sẽ đúng như tinh thần của nó là nhanh, gọn, hiệu quả, kịp thời. Về vấn đề này, ông Bình cho biết: “Hiện nay Quốc hội cũng ra Nghị quyết và Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cụ thể là Cục Việc làm xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động việc làm. Chúng tôi đang thiết kế các hoạt động dự án. Hy vọng một vài năm tới, quản lý lao động gắn với dữ liệu dân cư sẽ thông trên toàn quốc, mỗi người lao động sẽ có hồ sơ quản lý điện tử và trên cơ sở đó, việc hỗ trợ thông tin về người lao động sẽ rất nhanh”.