Độc đáo hoa văn sáp ong Hoài Khao

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Hoài Khao vẫn bảo tồn nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong, hiện được địa phương phát triển thành mô hình thu hút khách du lịch trải nghiệm.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong.
Khách du lịch trải nghiệm kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong.

Chỉ có nữ truyền cho nữ

Nằm cách thị trấn Nguyên Bình (Cao Bằng) 20 km, Hoài Khao (xã Quang Thành) là một xóm nhỏ có 35 hộ dân với 100% là người dân tộc Dao tiền, nằm biệt lập trong thung lũng. Vượt qua những cung đường khúc khuỷu ôm vào núi, người ta có thể thấy xóm Hoài Khao ẩn hiện như một phần của núi rừng. Nơi đây vẫn giữ những ngôi nhà gỗ, mái lợp ngói âm dương và kho thóc đặt trước cửa nhà theo lối truyền thống. Trang phục, lối sống của đồng bào dường như chẳng khác xưa là bao.

Chào đón chúng tôi bằng nụ cười mến khách, nghệ nhân Bàn Thị Liên, Tổ trưởng in hoa văn sáp ong Hoài Khao trong trang phục truyền thống là chiếc khăn đội đầu mầu trắng, vận áo mầu chàm đen, xẻ giữa. Trên cổ chị đeo dây xà tích bằng bạc với những đồ trang trí như đồng bạc trắng to bản, họa tiết tinh xảo. Áo dài tới nửa đùi, xẻ tà; vạt, gấu và tay áo được thêu trang trí bằng những đường chỉ nhiều mầu chạy song song. Áo không có cúc nên khi mặc, người ta vắt chéo hai vạt áo để che kín ngực, hai tà áo gần như chồng khít lên nhau, sau đó dùng thắt lưng buộc ra ngoài.

Có thể thấy, người Dao tiền rất công phu trong ăn mặc, nên nghề in hoa văn bằng sáp ong đóng vai trò quan trọng trong văn hóa của đồng bào. Thời xưa, người Dao tiền đều tự cung tự cấp, từ trồng bông, se sợi, dệt vải cho tới nhuộm chàm... Nghệ nhân in hoa văn bằng sáp ong chỉ có phụ nữ, truyền qua nhiều thế hệ. Ngay từ khi 10 tuổi, các cô gái Dao tiền đã được bà, mẹ chỉ dạy cách tự làm trang phục của dân tộc mình, trong đó có kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải. Như trường hợp của chị Liên khi 12-13 tuổi đã tập nhuộm và in những xấp vải đầu tiên cho mình. Khi lấy chồng, hành trang không thể thiếu của người phụ nữ Dao tiền chính là những bộ váy áo được in từ sáp ong.

“Sáp ong lấy từ một số tổ ong khoái trên vách đá do người dân bảo vệ suốt mấy trăm năm. Vào mùa xuân, ong về làm tổ, vào lập thu khi ong rời đi, người dân lại tập trung thu tổ ong làm sáp. Sau khi thầy mo trong xóm xem ngày giờ lấy tổ, làm lễ cúng thì trai tráng sẽ bắc giàn leo lên lấy tổ. Những tổ ong được mang về nấu lên rồi chia đều cho cả xóm”, chị Liên kể lại. Những họa tiết này có sự tương đồng về ý nghĩa với hoa văn trên cúc bạc và đồng bạc trên xà tích đeo cổ, tượng trưng cho các yếu tố tự nhiên như mặt trăng, mặt trời, sông, núi...

Nghề cổ trong không gian homestay mới

Quy trình in hoa văn bằng sáp ong cũng khá nhiều công phu với 5 công đoạn như mài bóng vải, tạo hình hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, đánh tan sáp ong và phơi khô. Sau khi dệt xong tấm vải trắng từ sợi bông, phụ nữ Dao tiền dùng miếng đá phẳng, mịn cả hai mặt để mài cho nhẵn và láng bóng, sau đó chia tấm vải thành nhiều ô, cột bằng nhau, công việc này thực hiện bằng tay, chấm các điểm cân đối thành hàng.

Sáp ong đem đun cho tan chảy, sau đó lọc bỏ tạp chất. Tùy theo các mẫu hoa văn đã định sẵn trong đầu, phụ nữ Dao tiền sẽ dùng các dụng cụ chấm vào sáp ong rồi in hoa văn lên mặt vải. Khi sáp ong khô thì đem nhuộm chàm nhiều lần (từ 15-20 lần), cứ ngày đem phơi nắng, đêm ngâm chàm. Tấm vải khi ngâm phải luôn ngập nước chàm, dùng chân đạp kỹ cho vải thấm đều màu chàm để không bị loang lổ. Sau khi nhuộm được mầu chàm như ý, vải sẽ được nhúng vào nước sôi, lúc này sáp ong bị nóng sẽ tan ra và hiện lên các hoa văn trên nền chàm.

Giờ đây, khi bản Hoài Khao đã được quy hoạch thành điểm du lịch cộng đồng, đồng bào không chỉ bảo tồn được nghề truyền thống mà còn thêm thu nhập đáng kể vào kinh tế gia đình. Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao được đầu tư xây dựng bài bản từ bãi đỗ xe, nhà trưng bày với tranh, ảnh, hiện vật và hệ thống mã QR giới thiệu đầy đủ. Ngoài ra, chính các căn nhà của đồng bào trở thành homestay đón khách. Điều này giúp du khách ngoài việc tìm hiểu nghề truyền thống còn được trải nghiệm thực tế đời sống sinh hoạt thường ngày và văn hóa của đồng bào.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Cao Bằng nhiều chương trình, dự án bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số gắn với phát triển du lịch, nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. “Trường hợp của Hoài Khao, Sở đã chỉ đạo hướng dẫn chính quyền địa phương tu bổ, chỉnh trang các hộ gia đình, cũng như hướng dẫn tập huấn công tác đón tiếp khách du lịch và phương thức bảo tồn giá trị di sản. Chúng tôi cũng định hướng cho làng xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc như trải nghiệm văn hóa truyền thống, các địa điểm tham quan và mua bán các sản phẩm địa phương. Kết quả là lượng khách cùng với chất lượng phục vụ dần được nâng cao”, bà Tô Thị Trang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết.

Dụng cụ để in hoa văn cũng rất đơn giản, gồm các ống tre, trúc có đường kính to nhỏ khác nhau (từ 1,5-2 cm), để in các hình tròn. Các que vót mỏng uốn hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc, lá chít ép phẳng dùng làm cữ.