Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ với tài sản lên đến hàng tỷ USD khẳng định: Thách thức của nền kinh tế hay doanh nghiệp vẫn hiện hữu, nhưng cần rạch ròi với dòng tiền trên TTCK. Tiền mạnh thì diễn biến của thị trường sẽ tích cực. Trong 20 phiên giao dịch gần nhất tính đến ngày 12/7 tại HoSE, chỉ duy nhất phiên 3/7 có giá trị giao dịch (GTGD) khớp lệnh dưới 10.000 tỷ đồng, tất cả các phiên còn lại đều trên mức này.
Tính riêng 5 phiên gần nhất thì GTGD khớp lệnh trung bình tại HoSE cũng lên đến mốc 15.000 tỷ đồng/phiên, một thống kê có thể gợi về giai đoạn hoàng kim 2020-2021 của thị trường. Đã có gần nửa triệu tài khoản (466.000) chứng khoán mở mới trong tháng 6 vừa qua, nghĩa là cứ mỗi ngày làm việc của TTCK trong tháng 6 lại có hơn 2.000 tài khoản mở mới, một con số rất khả quan. Và tính trong cả hai tháng 5 và tháng 6 thì có gần 1 triệu tài khoản được mở mới, đây cũng là hai tháng cao kỷ lục trong lịch sử của thị trường, đưa tổng số tài khoản chứng khoán tính đến thời điểm này đạt hơn 6,1 triệu tài khoản.
Thanh khoản mới cùng nhiều “tay chơi” mới trên thị trường chắc chắn sẽ tạo ra một diện mạo mới. Những ngày qua, dân chứng khoán đã nói rất nhiều đến “uptrend”, từ đã bị quên lãng trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, tiền nhiều cũng thay đổi luôn cả cục diện của thị trường, mà cụ thể ở đây là diễn biến của cổ phiếu (CP). Về xu hướng chung, giá CP cũng sẽ tăng nếu có nền tảng tốt và dòng tiền nâng đỡ, nhưng tăng như thế nào và biến động ra sao mới quan trọng. Chẳng hạn, nếu so về tỷ lệ tăng, nhóm CP của các công ty chứng khoán chưa chắc ấn tượng bằng những nhóm khác như bất động sản, dầu khí… Tuy nhiên, hấp lực của nhóm CP chứng khoán lại nằm ở biến động trong thời gian ngắn. Theo đó, dù giá trong 3-5 phiên không thay đổi quá nhiều, nhưng biến động trong từng phiên lại rất hấp dẫn, chẳng hạn đầu phiên giảm 2-3%, cuối phiên tăng lại 1%, điều này có thể đem lại lợi nhuận 3-4% chỉ trong một phiên, và chỉ cần vào đúng sóng đến T+2,5 là NĐT đã lãi hơn 5%.
Trong những trường hợp này, NĐT giữ dài chưa chắc đã có lợi, muốn tối đa hóa lợi nhuận cần tính toán điểm ra - vào hợp lý. Thanh khoản lớn của thị trường cũng sẽ khiến cho biến động ngắn hạn của giá CP mạnh mẽ hơn, vì hoạt động mua vào - bán ra ở quy mô lớn hơn nên giá CP rất khó đi thẳng. Như vậy, NĐT lựa chọn được CP tốt, nhưng sẽ phải theo dõi giao dịch để phân tích biến động CP, qua đó có chiến lược mua bán phù hợp. Chẳng hạn, nếu NĐT không giỏi lướt sóng ngắn hạn, sẽ phải chọn những CP có nền tảng tốt, giao dịch tương đối bình lặng. Trường hợp NĐT muốn tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, sẽ lựa chọn những CP có thanh khoản cao, nhưng cũng cần tránh ít nhất hai yếu tố, đó là làm giá và những rủi ro liên quan kết quả kinh doanh sắp được công bố.