“Dieselgate” lại khuấy đảo thế giới

Ngày 20/2, một tòa án Đức đã ra phán quyết ủng hộ vụ kiện chống lại Cơ quan Vận tải cơ giới Liên bang Đức (KBA) vì đã cấp phép lưu hành những ô-tô sử dụng phần mềm quản lý khí thải bất hợp pháp. Phán quyết trên có thể dẫn đến một làn sóng thu hồi xe ô-tô của nhiều hãng lớn, trong đó có Volkswagen.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhà máy chế tạo ô-tô của Volkswagen. Ảnh: GETTY IMAGES
Một nhà máy chế tạo ô-tô của Volkswagen. Ảnh: GETTY IMAGES

DW cho biết, vụ việc tổ chức phi chính phủ Deutsche Umwelthilfe (DUH) kiện KBA liên quan bê bối các hãng xe sử dụng phần mềm theo dõi chỉ số khí thải nhưng lại gian lận, khiến việc đo lường kết quả không chính xác. Bê bối được gọi là “Dieselgate” này từng dẫn đến làn sóng thu hồi một số dòng xe sử dụng động cơ diesel của Volkswagen và nhiều hãng khác trên thế giới. Tòa án của Đức vừa qua đã ra phán quyết ủng hộ DUH, cáo buộc KBA phê duyệt giấy phép cho bản sửa lỗi phần mềm cho các phương tiện này vào năm 2016. Tuy nhiên bản sửa lỗi này trên thực tế chỉ để “qua mắt” người tiêu dùng và không bảo đảm tiêu chí về khí thải ra môi trường.

Vụ tai tiếng trong lịch sử ngành công nghiệp xe hơi Dieselgate bắt đầu từ năm 2015, khi cơ quan điều tra của Mỹ phát hiện nghi vấn chung quanh quá trình thử nghiệm mức độ khí thải trên các ô-tô của Volkswagen. Sau đó, công ty này thừa nhận đã lắp đặt các phần mềm gian lận cho 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel ở Mỹ, nhằm khiến khách hàng tin rằng số xe này đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu về khí thải. Bê bối “Dieselgate” đã khiến “gã khổng lồ” về xe hơi điêu đứng suốt nhiều năm. Cơ quan điều tra Mỹ đã buộc tội và kết án tù nhiều nhân sự cấp cao trong ban điều hành công ty. Không chỉ ở Mỹ, cuộc điều tra Dieselgate đã khiến Volkswagen lần lượt đối mặt hàng loạt vụ điều tra pháp lý độc lập ở nhiều quốc gia khác nhau.

Trong vụ kiện ở Đức, DUH lập luận rằng, dù chấp nhận cài đặt các phần mềm khí thải trong xe song cho các phương tiện đó vẫn có thể thải ra nhiều chất gây ô nhiễm hơn mức cho phép theo quy định của Đức. Mặc dù bản “sửa lỗi” thiết bị đã được khắc phục theo tiêu chuẩn của KBA, những chiếc xe này vẫn thải ra quá nhiều nitơ oxit - một chất gây ô nhiễm có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Do đó, KBA đáng lẽ không thể cấp phép để những chiếc xe này được tung ra thị trường.

Với phán quyết mới nhất, DUH đang kêu gọi thu hồi loại xe Volkswagen Golf. Đồng thời các nhà vận động môi trường cũng cho rằng hàng triệu động cơ “diesel bẩn” của một số nhà sản xuất ô-tô đã được chính quyền cấp phép lưu hành ở Đức song vẫn cần phải thu hồi. Việc tòa án xử nghiêng về DUH có thể sẽ ảnh hưởng các dòng xe của nhiều thương hiệu khác đối mặt với khả năng phải thu hồi như BMW, Mercedes-Benz…

Theo Reuters, hãng Volkswagen cho biết họ đang chờ để nhận lập luận đầy đủ của tòa án trước khi quyết định các bước tiếp theo. Vào tháng 11/2022, Tòa án Công lý châu Âu (EJC) đã ra phán quyết ủng hộ quyền của các tổ chức môi trường thực hiện hành động tương tự đối với các cơ quan cấp phép phương tiện cơ giới châu Âu. Trước đó, vào năm 2018, Volkswagen từng bị tuyên phạt một tỷ euro (khoảng 1,2 tỷ USD) liên quan việc lắp đặt phần mềm gian lận này ở Đức. Hãng Audi cũng phải thu hồi, sửa chữa hàng chục nghìn phương tiện với cáo buộc tương tự kể trên.

Làn sóng thu hồi xe sau “cơn bão Dieselgate” đã từng khiến các “ông lớn” trong ngành sản xuất xe hơi thiệt hại nặng nề. Đây được coi là bê bối lớn nhất trong lịch sử gần 80 năm hoạt động của Volkswagen. Dù đã nỗ lực thỏa thuận dàn xếp, song các công ty trong vụ việc không những phải đóng tiền phạt mà còn phải đền bù và trả các chi phí thu hồi khác. Chưa hết, giá trị cổ phiếu của Volkswagen cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Song để giữ gìn tên tuổi và uy tín, những hãng xe này vẫn phải tuân thủ pháp luật và thực thi nghĩa vụ thu hồi, đền bù đối với các khách hàng sử dụng xe bị gian lận.