Người dân lỗ nặng
Khuổi Luông là thôn vùng cao nhiều khó khăn của xã Khang Ninh, huyện Ba Bể. Người dân không có nhiều sinh kế bền vững, do vậy cây dong riềng được xem như “cứu cánh” giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. Thế nhưng, những ngày cuối tháng 12, những vạt dong già tuổi, lá đã héo khô, củ trồi lên cả đất nhưng người dân không “dám” thu hoạch.
Ông Đặng Văn Quế, người dân thôn cho biết, đầu vụ, tư thương thu mua giá 1.500 đồng/kg, người dân còn có lãi. Nhưng hiện tại, giá tụt xuống chỉ còn 900 đồng/kg, không đủ bù chi phí, công thu hoạch, càng đào củ lại càng lỗ nên đành bỏ mặc.
Chung cảnh ngộ là những hộ dân tại huyện nghèo Pác Nặm khi 30 ha dong không có người thu mua, hoặc có thì giá quá thấp, người dân lỗ nặng. Dọc đường 258B từ Ba Bể lên huyện lỵ, nhiều đống dong củ được người dân chất đống chờ mua. Tìm hiểu được biết, công sức thu hoạch dong với người dân rất lớn do cây dong nhiều củ nặng, nằm chặt dưới đất, người khỏe mạnh trung bình phải cuốc tới bảy lần mới thu được một khóm dong. Do vậy, nếu giá bán xuống dưới 1.000 đồng/kg, người trồng cầm chắc lỗ. Việc phải vận chuyển dong nhỏ lẻ bằng xe máy ra tỉnh lộ tìm người mua càng khiến mức lỗ tăng nhưng người dân cũng đành chấp nhận, mong vớt vát phần nào.
Ba Bể đang là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong tiêu thụ dong củ. Toàn huyện có hơn 366 ha dong được trồng ở nhiều xã, năng suất đạt 65 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 23.817 tấn. Trong đó, có hơn 176 ha được các cơ sở chế biến nhận bao tiêu, còn lại hơn 190 ha, người dân tự sơ chế. Tuy nhiên, phần lớn người dân bị ép giá xuống chỉ còn khoảng 1.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn nên bị lỗ.
Bao tiêu đổ bể
Thực tế, nhiều năm qua, dong riềng đã khẳng định được vị thế là cây trồng thế mạnh của tỉnh Bắc Cạn, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, tạo ra sản phẩm miến dong được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Từ đầu năm, Bắc Cạn đã quyết liệt chỉ đạo các cơ sở chế biến đứng ra bao tiêu dong củ cho người trồng. Tuy nhiên, với mức giá bán tinh bột thấp, thiếu vốn như hiện nay, việc thu mua của các cơ sở rất khó khăn. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là việc Bắc Cạn thiếu quy hoạch bài bản từ khâu trồng, chế biến tới tiêu thụ. Hầu hết các cơ sở chế biến hiện có đều quy mô nhỏ, nặng tính tự phát, không có thị trường tiêu thụ ổn định mặc dù phần lớn đã được cấp nhãn hiệu tập thể miến dong Bắc Cạn.
Mặt khác, theo cơ chế thị trường, cũng rất khó “đòi hỏi” các cơ sở chế biến phải thu mua dong củ cho dân khi họ không thấy lợi nhuận từ đó. Thí dụ, Hợp tác xã Sang Hà dù chưa có nhà xưởng, máy móc chế biến nhưng “nhận” bao tiêu cho thôn Khuổi Luông, xã Khang Ninh (Ba Bể) với diện tích hơn 25 ha, sản lượng khoảng 1.771 tấn với cam kết giá thu mua tối thiểu 1.400 đồng/kg. Người dân phấn khởi, vì với mức giá này sẽ có lãi. Tuy nhiên, vì giá thị trường giảm liên tục nên đến nay, Hợp tác xã Sang Hà không còn khả năng thu mua với mức giá như đã cam kết nữa. Tương tự là cơ sở Nhất Thiện trước đây cam kết bao tiêu cho khá nhiều xã ở Ba Bể nhưng sau đó “bẻ kèo”, lấy lý do thiếu vốn, sửa chữa nhà xưởng quay sang chỉ nhận bao tiêu cho duy nhất xã Mỹ Phương. Đến nay, cơ sở này cũng phải giảm giá mua tại xã Mỹ Phương từ 1.500 đồng/kg xuống còn 1.300 đồng/kg.
Theo Sở Công thương Bắc Cạn, toàn tỉnh có 27 cơ sở chế biến miến và tinh bột dong riềng còn hoạt động với tổng công suất chế biến 449 tấn củ/ngày. Với sản lượng năm 2018 là 72.660 tấn, thời vụ chế biến trong vòng 100 ngày, các cơ sở này chỉ tiêu thụ được 44.900 tấn dong củ, thừa ra 27.660 tấn. UBND tỉnh Bắc Cạn đánh giá, công tác chế biến sản phẩm dong riềng còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa thực hiện được mục tiêu sản xuất đến sản phẩm cuối cùng là miến và các sản phẩm có giá trị cao để phát huy thương hiệu miến dong Bắc Cạn, nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi sản phẩm. Mới chỉ sản xuất được hơn 20% sản lượng bột thành miến, còn lại phải bán tinh bột và củ dong ra thị trường ngoài tỉnh với giá thấp, vì vậy ảnh hưởng đến giá thu mua nguyên liệu củ dong của người dân. Ngoài ra còn các vướng mắc về mặt bằng, vốn, quy mô sản xuất, chế biến…, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển chuỗi sản phẩm miến dong toàn tỉnh.
Từ năm 2019, Bắc Cạn vẫn tiếp tục xác định phát triển cây dong riềng và chế biến các sản phẩm từ dong riềng. Tuy nhiên, để tránh tái diễn tình trạng được mùa mất giá như thời gian qua, địa phương này cần phải có giải pháp đồng bộ hơn.