Đi ngang vẫn biến động mạnh

Khi ngưỡng 1.050 điểm của VN Index không bị xuyên thủng, nhiều dự báo đều nghiêng về khả năng VN Index sẽ đi ngang và tích lũy tại vùng 1.060 điểm để chờ những đợt sóng tiếp theo. Tuy nhiên, nhà đầu tư (NĐT) cũng cần lưu ý đến những đặc tính khi thị trường chứng khoán (TTCK) đi ngang để có thể tìm kiếm lợi nhuận.
0:00 / 0:00
0:00

Cả ba phiên giao dịch đầu tuần 10, 11 và 12/4 đều diễn biến chung một kịch bản, điểm số của VN Index và giá cổ phiếu (CP) chốt phiên thường biến động nhẹ, nhưng trong phiên lại tăng/giảm cực kỳ mạnh. Đơn cử như phiên 10/4, có lúc VN Index tăng lên đến 1.075 điểm, nhưng cũng có thời điểm rơi xuống hơn 1.063 điểm, trước khi kết thúc phiên chỉ giảm khoảng 4,4 điểm xuống còn 1.065 điểm. Phiên giao dịch 11/4, dù VN Index tăng 4 điểm trở lại gần 1.070 điểm, nhưng có những lúc chỉ số này rớt xuống dưới ngưỡng 1.057 điểm. Cũng trong phiên này, có cổ phiếu thuộc ngành bất động sản thậm chí trong phiên còn rớt xuống giá kịch sàn, cuối phiên quay trở lại ngưỡng tham chiếu. Phiên 12/4, mặc dù VN Index chỉ giảm 0,01 điểm, nhưng một loạt cổ phiếu (CP) thuộc các nhóm ngành bất động sản, hạ tầng lại tăng mạnh, một số mã tăng kịch trần.

Trước tiên cần phải khẳng định một xu hướng hồi phục tích cực cho TTCK là tất yếu khi các dòng thông tin, đặc biệt là xu hướng giảm của lãi suất đã được thấy rõ. Hệ quả rất rõ ràng khi thanh khoản trên thị trường chứng khoán được củng cố mạnh mẽ. Trong nửa tháng qua, hầu hết các phiên giao dịch tại HoSE đều có giá trị khớp lệnh vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt có những phiên như 6/4, giá trị giao dịch lên đến gần 15.000 tỷ đồng. Những thống kê này sẽ tạo ra niềm tin để NĐT có thể yên tâm lựa chọn CP cho những mục tiêu dài hạn. Còn trong trường hợp chỉ giao dịch ngắn hạn, thì những nỗi lo thái quá cũng sẽ được giảm bớt. Tuy nhiên, đặc tính của TTCK là “thực chiến” luôn khác hẳn với dự tính ban đầu và khi giao dịch thì hành động hoàn toàn có thể bị đảo ngược một cách nhanh chóng.

Đơn cử như nhóm CP bất động sản, hiện vẫn đang là nhóm hút tiền bậc nhất trên thị trường, tuy nhiên đang có sự phân hóa khá mạnh. Chẳng hạn trong phiên giao dịch 12/4 vừa qua, trong khi NLG, KDH, NVL tăng mạnh thì DIG, CEO lại điều chỉnh. Và sóng của CP hiện tại thậm chí chỉ là T+1, thậm chí chỉ “lóe” lên trong từng phiên để rồi kết phiên lại đi ngang hoặc giảm nhẹ. NĐT nhận định được xu hướng thị trường đã khó, chọn đúng nhóm CP lại còn khó hơn, nhưng thậm chí chọn được CP vào sóng tăng, nhưng cũng chưa chắc có lãi được, đó là một thực tế khắc nghiệt của thị trường hiện nay. Một chuyên gia chứng khoán phân tích, thực tế hiện nay là tương đối thuận lợi, vì NĐT không còn sợ “chậm chân”, nhất quyết phải đua lệnh mua CP nữa, vì nhiều CP có giá rẻ. Nhưng diễn biến trên thị trường vẫn luôn khiến nhiều người “sống vội” quyết tâm mua vào khi thấy giá CP biến động tăng và bán vội khi thấy có xu hướng giảm. Chính vì vậy, công thức để lựa chọn CP trong giai đoạn này, dù không quá khó, là những ngành hút tiền như bất động sản, chứng khoán, dầu khí… chọn những CP có thanh khoản cao, định giá tốt, nhưng NĐT phải sẵn sàng “chịu đựng” những biến động trong ngắn hạn để có cơ hội thu về lợi nhuận.