Đến hẹn lại... lệch

Việc doanh nghiệp (DN) công bố kết quả kinh doanh (KQKD) trước và sau kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) có sự chênh lệch lớn, thường là chênh lệch giảm không phải là vấn đề mới. Thậm chí có thể nói đây là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm trên thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư (NĐT) thường ở thế thiệt thòi vì thiếu các công cụ có thể dự báo hoặc đề phòng.
0:00 / 0:00
0:00

Chuyên gia kiểm toán Bùi Đăng Bảo phân tích: Hiện tượng KQKD giảm sau khi kiểm toán có tính “lây lan” tiêu cực, từ DN này sang DN khác. Chẳng hạn, DN này thấy DN kia cùng ngành xảy ra hiện tượng này thì hoàn toàn có thể tự… lặp lại. Nói cách khác, dù hiện tượng này xét trên tổng số DN niêm yết là không nhiều, nhưng đã và đang tạo ra những tiền lệ xấu.

Trước nhất cần phải nói về khoảng thời gian “treo” mà NĐT không thể xác định chính xác số liệu trên BCTC của DN đến đâu, đó là từ khoảng giữa tháng 1 đến ngày 31/3. Chẳng hạn, giữa tháng 1/2023, DN công bố BCTC quý IV/2022, qua đó, có thể có số lũy kế bốn quý của cả năm (2022), nhưng phải đến 31/3/2023 mới là hạn chót để DN nộp BCTC đã kiểm toán cho các cơ quan quản lý. Nghĩa là trong tầm 2-3 tháng, phải tạm chấp nhận những con số tạm tính từ phía DN tự công bố chứ chưa được kiểm toán.

Đi sâu vào vấn đề, trường hợp NĐT mua cổ phiếu (CP) lướt sóng trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, thì mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn, do thị trường “tạm” chấp nhận BCTC chưa kiểm toán. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là “bình đẳng”, bởi nếu thông tin có sự chênh lệch giữa BCTC trước và sau kiểm toán được một bên nào đó nắm được thì những hoạt động trục lợi vẫn có thể xuất hiện. Tuy nhiên, NĐT thiệt thòi nhất nhiều khả năng sẽ là những người mua và giữ dài. Chẳng hạn, nếu NĐT thấy BCTC chưa kiểm toán công bố những con số không đến nỗi nào, dẫn đến nhận định DN đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, mua vào và nắm giữ dài hạn. Tuy nhiên, sau ngày 31/3, DN công bố BCTC sau kiểm toán lỗ nặng, lập tức giá CP giảm mạnh mất 10-20%. Như vậy, NĐT giữ dài, với ý định tốt, lại phải chịu những rủi ro không đáng có.

Nếu đi sâu vào lượng hóa những chênh lệch trên BCTC, theo chuyên gia Bùi Đăng Bảo, khái niệm “trọng yếu” dù đã có nhưng nhiều NĐT cá nhân lại ít chú trọng. Theo vị chuyên gia này, mức độ chênh lệch từ 2-5% trên BCTC nếu so với tổng tài sản đã có thể xem là trọng yếu, mà như vậy NĐT có thể lên tiếng và buộc DN phải có giải trình làm rõ, vì sao lại có chênh lệch, trách nhiệm thuộc về cá nhân nào. Ở đây cần nhấn mạnh là sai sót từ 2-5% thôi đã là trọng yếu, thì việc BCTC sau kiểm toán chênh lệch hàng trăm tỷ đồng, hoặc từ lãi chuyển sang lỗ sẽ thấy mức độ nghiêm trọng như thế nào.

Phản ứng của NĐT với những hiện tượng lệch BCTC nếu có cũng chỉ dừng lại ở việc xả hàng CP khi sự đã rồi. Nhưng điều này cùng lắm chỉ làm giảm nhẹ thiệt hại, hoặc cắt lỗ, chứ không mang tính phòng vệ và tạo thành thông lệ buộc DN phải dè chừng. Nhiều năm nay, cứ sau khi có hiện tượng chênh lệch xảy ra, có thể giá CP vẫn phản ứng mạnh, nhưng chỉ trong ngắn hạn, sau đó tất cả đều… quên, và tất nhiên, hiện tượng này vẫn có thể tiếp tục diễn ra tại DN hoặc lây lan sang DN khác.