Đề xuất sáu nội dung cải cách tiền lương

Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với sáu nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024).
0:00 / 0:00
0:00
Cải cách tiền lương giúp người lao động bảo đảm cuộc sống. Ảnh: HẢI NAM
Cải cách tiền lương giúp người lao động bảo đảm cuộc sống. Ảnh: HẢI NAM

Tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội (QH) về việc thực hiện một số nghị quyết của QH khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Trong báo cáo, liên quan đến lĩnh vực tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư của Hội nghị T.Ư 7 khóa XII; Kết luận số 20-KL/T.Ư của Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022 và Nghị quyết số 75/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Chính phủ đã báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để báo cáo Ban Chấp hành T.Ư, QH về kết quả và lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với sáu nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024), gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; Chế độ phụ cấp; Chế độ tiền thưởng; Chế độ nâng bậc lương; Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; Quản lý tiền lương và thu nhập.

Chính phủ cũng cho biết sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27. Hiện mức lương tối thiểu vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng.

Cũng tại báo cáo gửi QH, Chính phủ nêu rõ căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ sẽ báo cáo Ban cán sự đảng trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý.

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH cho rằng, cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024 là thời điểm phù hợp, chín muồi vì chúng ta đã lùi thời gian cải cách ít nhất hai lần kể từ năm 2020. Điều quan trọng là chúng ta đã thực hiện được một bước giảm nhẹ biên chế, sắp xếp tổ chức, chuẩn bị nguồn lực.

Việc cải cách tiền lương trong điều kiện hiện nay là tin vui cho cán bộ công chức, viên chức, tạo động lực để hứng thú làm việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn bó với cơ quan đơn vị. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH cũng cho rằng, yêu cầu cho quá trình cải cách tiền lương phải xem xét đặc thù của các đơn vị sự nghiệp công nhằm mục tiêu bảo đảm tiền lương được phân phối theo đúng năng lực công tác, quá trình đào tạo, khả năng cống hiến và bảo đảm đúng nguyên tắc phân phối theo lao động và xếp lương theo vị trí việc làm.

Chính vì lẽ đó, mục tiêu cải cách tiền lương là bảo đảm cho người lao động đủ sống bằng lương; đặc biệt, phải xem xét quy định các loại phụ cấp đặc thù cho các ngành lĩnh vực đặc thù; để giữ chân người lao động đang làm việc tại các lĩnh vực đó hoặc thu hút nhân tài có năng lực chuyên môn vào khu vực công nhằm khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư (như hai ngành y tế và giáo dục sau hai năm đại dịch Covid-19); nguyên nhân là thu nhập thấp, đời sống khó khăn do chậm cải cách tiền lương.

Đề xuất sáu nội dung cải cách tiền lương ảnh 1

Cần cải cách tiền lương để bảo đảm đời sống của giáo viên.

Cải cách tiền lương phải gắn liền với kiểm soát lạm phát

Việc Bộ Chính trị yêu cầu T.Ư bám sát mục tiêu yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương hoàn toàn đúng với nguyên tắc của chi trả tiền lương, nguyên tắc phân phối theo lao động và quan trọng là tạo ra động lực để giữ chân công chức của khu vực công, thu hút người tài, tạo động lực cho bộ máy của khu vực công lập, bảo đảm tiền lương đủ sống để cán bộ toàn tâm toàn ý thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công theo vị trí việc làm của các ngành, lĩnh vực.

Một ý nghĩa quan trọng nữa của việc cải cách chính sách tiền lương, theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH, đó là khi đã có mức lương đủ sống hay bảo đảm duy trì cuộc sống gia đình, con cái học hành, thì tư tưởng xà xẻo, hách dịch, tìm cách tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ giảm đi.

Nhấn mạnh vấn đề tiền lương phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động xã hội, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; tốc độ tăng tiền lương bình quân phải chậm hơn tốc độ tăng năng suất lao động, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, người ta chỉ cải cách được tiền lương khi năng suất lao động tăng, kinh tế phát triển.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang bị tác động bởi nhiều yếu tố nên vấn đề cải cách tiền lương còn chậm. Bộ máy của ta thoát ra từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp của những năm trước đây, chưa xây dựng được vị trí việc làm, phân công lao động chưa tốt, quản trị nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, bộ máy phình ra, biên chế tăng lên, lớn hơn so với yêu cầu nhiệm vụ dẫn tới năng suất thấp, năng suất lao động thấp thì không có đủ ngân sách để cải cách tiền lương.

Chúng ta cải cách tiền lương nhưng vẫn đứng trước nhiều thách thức: biên chế vẫn nhiều, tổ chức sắp xếp chưa tinh gọn, vẫn còn nhiều đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước phải nuôi, chứ chưa chuyển được sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm; rồi đầu tư công để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng… Vướng như thế nhưng chúng ta vẫn phải cải cách tiền lương cho thấy Nhà nước đã nỗ lực rất lớn. Trong nhiều trường hợp để ưu tiên cải cách tiền lương thậm chí còn phải cắt giảm cả đầu tư công, để đạt mục tiêu ưu tiên cho con người, coi đầu tư cho con người như đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi vẫn lo ngại việc cải cách chưa thể kéo giảm được chênh lệch thu nhập tiền lương của khu vực công và khu vực tư như tinh thần của Nghị quyết số 27.

Vấn đề quan trọng hơn, khi thực hiện quá trình cải cách chính sách tiền lương, tổng lượng tiền lưu thông sẽ nhiều hơn, dẫn đến chỉ số giá sinh hoạt tăng. Vì thế, nếu Chính phủ không có các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường thì việc cải cách tiền lương hay tăng thêm thu nhập cho người lao động sẽ không còn ý nghĩa.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của QH cũng cho rằng, quá trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương phải đồng bộ với quá trình cải cách thủ tục hành chính và phải tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Quan trọng nhất là áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số, để giảm lao động thủ công mà vẫn tăng năng suất lao động. Tăng năng suất lao động không phải là kéo dài thời gian lao động (tăng cường độ lao động) mà phải sử dụng thời gian ít nhưng hiệu quả cao hơn.