1. Một trong những nguyên nhân chủ yếu, quyết định đến cấu trúc của hệ đề tài văn học đương đại chính là sự mở rộng của đời sống xã hội, với rất nhiều mối bận tâm khác, bên cạnh đề tài chiến tranh. Cuộc sống thời hậu chiến đã đặt con người trước muôn vàn những câu chuyện, gắn chặt với cá nhân, đời tư, thế sự. Cảm hứng lớn mang tầm vóc sử thi gắn với vận mệnh của quốc gia dân tộc cũng quan trọng như những biến cố của đời sống riêng tư, cá thể. Vì thế, văn chương tự thấy mình phải đi sâu, mở rộng hơn vào những địa hạt đã một thời gác lại, một thời phải nhường cho những câu chuyện lớn.
Đổi mới đã tạo đà cho văn chương nghệ thuật tiến đến các không gian phản ánh mới. Ở đó, số phận con người trước biến cố chiến tranh, những thân phận đối diện và đi qua chiến tranh… hằn lên bởi biết bao đau thương và mất mát. Văn chương nghệ thuật chú ý nhiều hơn đến những mảng hiện thực bên ngoài chiến tranh là một tất yếu của lịch sử xã hội Việt Nam thời bình. Lý do của nó không gì khác chính là mối bận tâm thường trực của cộng đồng. Họ có nhiều điều phải nghĩ, phải làm, phải đối diện hơn trong cuộc sống hiện tại. Chính xác, họ bị cuốn đi trong dòng chảy hối hả của đời sống với những lo toan mưu sinh, tồn tại. Hệ quả của nó là họ không còn thời gian cho quá khứ, cho những ký ức bi tráng. Không phải họ lãng quên, mà đó là quy luật tất yếu của cuộc sống đương đại, vốn đòi hỏi nhanh, kịp thời, hấp dẫn… Đã có hiện tượng một số công chúng của văn học, mà chủ yếu thuộc thành phần giới trẻ dường như đang có xu hướng rời xa đề tài, cảm hứng chiến tranh.
2. Làm sao để văn học viết về chiến tranh đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ? Câu hỏi có lẽ là nỗi bận tâm đau đáu của hầu hết các nhà văn viết về mảng đề tài này. Trong một số chuyển động tích cực, có thể thấy, văn học viết về chiến tranh đang thay đổi góc nhìn, điểm nhìn để tiệm cận với những câu chuyện của chiến tranh và đời sống. Văn học viết về chiến tranh trong bối cảnh đương đại cần đến gần hơn để nhận ra thân phận con người, thân phận dân tộc trong cuộc chiến ấy. Chiến tranh có thể là hơi thở của đất, của rừng, của người, của diện mạo, thân phận, ký ức, lịch sử, các giá trị nhân văn, còn mất khi đi qua chiến tranh, những di chứng, dư âm của cuộc chiến… Từ cuộc chiến ấy, văn học giúp con người hậu chiến nhận ra giá trị của tồn tại, giá trị của hòa bình, những điều có thể đánh đổi và những gì không thể đánh đổi.
Cùng với việc tiếp cận ở những góc độ khác, gần hơn, thật hơn, là việc thay đổi phương thức phản ánh, phương thức thể hiện. Có thể nhận ra, văn học sử thi thời chiến vẫn lấy mô hình phản ánh hiện thực xã hội chủ nghĩa, lấy cảm hứng sử thi hào hùng, lấy mô hình tiên tiến, điểm sáng điển hình… là cơ cấu chung cho văn học. Cách làm ấy sẽ ít hiệu quả trong bối cảnh văn học đương đại. Đến gần hơn với thế sự, đời tư nghĩa là phải giảm đi khoảng cách sử thi, cảm hứng sử thi, để nói bằng lời nói hằng ngày, về những câu chuyện hằng ngày, của những thân phận đã đi qua chiến tranh.
3. Văn học của chúng ta đã có giai đoạn thể hiện chiến tranh một cách hào hùng, đậm màu sắc sử thi trên bình diện rộng lớn mang tầm vóc quốc gia, dân tộc. Như quy luật bù trừ, khi cuộc chiến đi qua, con người có thời gian để ngẫm lại quá khứ, soi chiếu quá khứ một cách kỹ lưỡng hơn, những góc khuất, những điều bình dị, bé nhỏ, những gì đã từng bị lãng quên trong chiến tranh cần được nhìn nhận trở lại. Bên cạnh đó, cũng cần phải thấy rằng, chiến tranh là một câu chuyện của quá khứ, nhưng chưa khép lại, nó vẫn hiện diện trong đời sống hôm nay. Vì thế, viết về chiến tranh không thể tách rời những vận động của xã hội đương đại. Nghĩa là, chiến tranh đang tham dự vào việc kiến tạo nên diện mạo, thân phận của con người đương đại, đang đi cùng những câu chuyện thế sự đời tư hôm nay. Con người đương đại, nhất là giới trẻ sẽ không thấy xa lạ với những câu chuyện chiến tranh nếu họ nhận ra rằng sự hiện diện của họ là kết quả của một Việt Nam đi ra từ cuộc chiến, đi ra từ những năm tháng đau thương mà kiêu hãnh. Lý tưởng, niềm tin hay khát vọng sẽ được kiến tạo, được định hình thế nào ở giới trẻ có một phần rất quan trọng từ việc họ ý thức được quá khứ đã can dự đến sinh mệnh, thân phận của họ. Từ đó, di sản chiến tranh sẽ chi phối đến thái độ và sự lựa chọn của giới trẻ. Cơ hội của văn học viết về chiến tranh nằm ở đấy, trong những động thái chủ động đến gần hơn với cấu trúc tâm lý, tinh thần của con người đương đại.
Văn chương là nghệ thuật, và muốn nói gì, trước hết nghệ thuật phải hay, phải đẹp, phải tác động mạnh mẽ đến tâm hồn, tình cảm của con người. Văn học viết về đề tài chiến tranh có lợi thế từ quá khứ, là ký ức của cả dân tộc. Trong tình thế hiện tại, việc giảm sút sức lôi cuốn, hấp dẫn là một thực trạng. Để gần gũi hơn với người đọc, không gì khác là phải tự thay đổi, phải tiệm cận các giá trị thực hữu của đương đại. Từ chiến tranh, thông qua chiến tranh, nhà văn viết tiếp những câu chuyện của thế sự, đó là một con đường để đi đến với bạn đọc, nhất là giới trẻ hôm nay.