Để “Tủ sách Huế” thêm đầy

Các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành và chuyên gia trong lĩnh vực thư viện đã đề xuất với chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới nên xây dựng một “bảo tàng sách” khi bàn về câu chuyện hợp tác “Tủ sách Huế”. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” năm 2023 đang diễn ra tại Huế.
0:00 / 0:00
0:00
Góc trưng bày những cuốn sách nằm trong Đề án “Tủ sách Huế” thu hút nhiều người quan tâm.
Góc trưng bày những cuốn sách nằm trong Đề án “Tủ sách Huế” thu hút nhiều người quan tâm.

Sản phẩm văn hóa đặc trưng

Đề án thiết lập và phát triển “Tủ sách Huế” đã được tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt từ năm 2020, với mục tiêu và quyết tâm lưu giữ, bảo tồn các giá trị của sách. Đồng thời phát triển và đa dạng các đầu sách, được nhiều độc giả trong và ngoài nước quan tâm biết đến.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay “Tủ sách Huế” đã hình thành được 9 xuất bản phẩm, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ xuất bản được 50 ấn phẩm mới và hợp tác gắn logo với các đầu sách xuất bản khác trên toàn quốc. Tủ sách sẽ trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, giới thiệu đến độc giả, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa về văn hóa của vùng đất Cố đô, đồng thời sẽ trở thành cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới cho rằng, Huế là một trong những địa phương hiếm hoi có thể xây dựng một tủ sách quy tụ những đầu sách quý của địa phương. Tuy nhiên, theo ông Giới, một trong những cản trở của việc xây dựng là kinh phí để thực hiện việc tập hợp, nghiên cứu, xây dựng những đầu sách và lan tỏa nó đến với cộng đồng.

Để đề án được đẩy nhanh và có các sản phẩm sách chất lượng, Giám đốc sản xuất Công ty CP Sách Omega Việt Nam Trần Hoài Phương đề xuất tỉnh phát triển đề án “Tủ sách Huế” lên một mô hình gắn kết để tiến tới xây dựng một “Bảo tàng sách Huế”. Theo bà Phương, bảo tàng này sẽ nằm ở trung tâm một tuyến đường sách trên địa bàn. Nhưng để việc này trở thành hiện thực, bà Phương cũng đề nghị tỉnh đưa hợp tác công - tư trong việc xây dựng, duy trì hoạt động của bảo tàng. Theo đó, tỉnh sẽ cung cấp địa điểm và Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì vận hành dưới sự tham khảo ý kiến các đơn vị, cá nhân đóng góp sách vào bảo tàng. Cùng với đó, các đơn vị tư nhân cũng có thể tham gia xây dựng các tour du lịch tham quan, đọc sách tại bảo tàng.

Lan tỏa văn hóa đọc

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng để phát triển “Tủ sách Huế”, cần bổ sung thêm những đầu sách dành cho trẻ em để lan tỏa việc đọc bằng cách đưa sách về các thư viện trường học. Người đứng đầu Cục Xuất bản cũng đề nghị cần phải có danh mục, thư mục các đầu sách một cách cụ thể, chú trọng đến phát hành, truyền thông và quảng bá giá trị của tủ sách. Ngoài ra, nên xây dựng một con đường sách tại thành phố Huế.

Chia sẻ về đề án “Tủ sách Huế”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, việc phát huy giá trị tủ sách là việc làm thiết thực và cần thiết để giữ gìn văn hóa đọc, đồng thời tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sách trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Việc phát triển “Tủ sách Huế” cho thấy giá trị mang tính kết nối trong giá trị văn hóa của cố đô Huế. Đây là phạm vi để người Huế hiểu được các giá trị của tủ sách, qua đó tích cực tuyên truyền, đóng góp về các đầu sách cũng như quảng bá văn hóa đọc.

Theo ông Bình, với việc hình thành quy chuẩn, định hình danh mục về dữ liệu sẽ tạo tính liên kết trong phát triển “Tủ sách Huế”. Thông qua đó, tủ sách cũng sẽ góp phần giới thiệu và quảng bá văn hóa, con người xứ Huế, những giá trị đã được chắt lọc và thể hiện trên từng cuốn sách, có giá trị trường tồn mãi với thời gian.

Để làm được điều đó, ông Bình mong muốn được kết nối và hợp tác từ các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành trong nước để đẩy mạnh hợp tác phát triển tủ sách. Đồng thời, phối hợp cùng tỉnh thực hiện các chương trình quảng bá, thông tin, giới thiệu, tuyên truyền các đầu sách quý về Huế để xây dựng được những trào lưu, nền tảng khoa học hơn, chi tiết và đầy đủ hơn.