“Sân khấu hóa” tuyên truyền
Xác định công tác phòng, chống ma túy trong đoàn viên, thanh niên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, các cấp bộ đoàn TP Đà Nẵng đã liên tục đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền. Mới đây, Quận đoàn Cẩm Lệ phối hợp với UBND phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) đã tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án “Mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy” với 3 đối tượng. Theo hồ sơ vụ án, từ tháng 9 đến tháng 10/2023, Huỳnh M.T trực tiếp bán 39 lần 39 gói ma túy cho 5 đối tượng nghiện, thu được 19,5 triệu đồng, thu lợi bất chính với số tiền gần 13 triệu đồng. Nguyễn Lê Đ.K giúp T bán 4 lần 4 gói ma túy cho 3 đối tượng nghiện. Phạm Lê D.H là đối tượng nghiện ma túy, vào tháng 10/2023, H liên lạc với T để hỏi mua chất cấm nhằm đem về nhà sử dụng. Trong khi mua thì H bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cẩm Lệ bắt quả tang. Tại phiên tòa giả định, hội đồng xét xử trình bày những chứng cứ, luận điểm để đưa ra hình phạt thích đáng đối với từng bị cáo, đồng thời thông tin rõ những điều khoản, quy định của Luật Phòng, chống ma túy đến với người tham gia phiên toà. Anh Lê Thanh Hải, Phó Bí thư Quận đoàn Cẩm Lệ cho biết, với hình thức “sân khấu hóa” những vụ án hình sự thông qua “phiên tòa giả định”, Quận đoàn đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật, giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận và nắm bắt các điều khoản, quy định một cách nhanh chóng, dễ nhớ, dễ hiểu hơn.
Hình thức “sân khấu hóa” nội dung tuyên truyền đã và đang được các cấp bộ đoàn thực hiện khá hiệu quả. Thay vì các hội nghị tuyên truyền một chiều nhàm chán, những “phiên tòa giả định” đưa ra xét xử một vụ án đều được xây dựng dựa trên vụ án có thật, theo đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Qua đó chuyển tải linh hoạt, mềm mại, khéo léo và đầy đủ các quy định, điều khoản của pháp luật. Từ đó tạo sự răn đe, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Phòng, chống ma túy nói riêng trong thanh, thiếu niên.
Theo thống kê của Thành đoàn Đà Nẵng, hiện có 100% số cơ sở đoàn trên địa bàn đã xây dựng mô hình “Tổ thanh niên 3 nhanh” trong phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở, đồng thời lắp đặt hơn 300 hòm thư tố giác tội phạm tại các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư.
Nâng cao trách nhiệm của cộng đồng
Trước thực trạng tội phạm về ma túy ngày càng trẻ hóa, bên cạnh vai trò của gia đình, trách nhiệm của các hội, đoàn thể và cộng đồng ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình quản lý, giúp đỡ, đồng hành với đối tượng chậm tiến, người từng nghiện ma túy được các hội, đoàn thể phối hợp thực hiện mang lại hiệu quả cao. Đơn cử, mới đây, Hội Nông dân, Công an xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) phối hợp tộc Nguyễn Công (thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu) xây dựng mô hình “Tộc không có con em vi phạm về tệ nạn ma túy”. Theo đó, tộc Nguyễn Công ký cam kết vận động con em trong tộc tuyệt đối không thử, không sử dụng chất ma túy, tuyên truyền, giáo dục con em về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy. Đồng thời phối hợp cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống và cung cấp thông tin kịp thời khi phát hiện con em trong tộc sử dụng ma túy trái pháp luật.
Tương tự, mô hình “Quản lý 4+1” do các hội, đoàn thể phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) thực hiện cũng góp phần không nhỏ trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng chậm tiến tái hòa nhập cộng đồng. Theo lãnh đạo UBND phường Khuê Trung, mô hình hoạt động theo tiêu chí: 4 đơn vị gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân hoặc Đoàn Thanh niên, đại diện khu dân cư; đại diện khu vực và đại diện gia đình phối hợp giúp đỡ một cá nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đó có thể là người vừa chấp hành xong án phạt tù, người từng sử dụng trái phép chất ma túy, người chưa thành niên có nguy cơ vi phạm pháp luật… Qua đó giúp những người từng lầm lỡ vươn lên làm lại cuộc đời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hội, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong chung tay đẩy lùi ma túy và các tệ nạn xã hội.