Đầu tư theo chiến lược phòng thủ

Mặc dù chỉ số VN Index đã hồi phục hơn 200 điểm so với đáy 873 điểm hồi tháng 11/2022 và sự hồi phục đã lan tỏa tới nhiều cổ phiếu. PV báo Thời Nay có cuộc trao đổi ý kiến với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về quan điểm đầu tư trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư nên kiên trì chiến lược phòng thủ là chính, ưu tiên giữ an toàn hơn là chấp nhận rủi ro. Ảnh: BẮC SƠN
Nhà đầu tư nên kiên trì chiến lược phòng thủ là chính, ưu tiên giữ an toàn hơn là chấp nhận rủi ro. Ảnh: BẮC SƠN
Đầu tư theo chiến lược phòng thủ ảnh 1

PV: Phiên giao dịch chiều 1/2/2023 chỉ số bất ngờ giảm 35,21 điểm (tương đương 3,17%), về mốc 1.075,97 điểm; mặc dù dự báo sắp có tin tốt là FED sẽ “hạ nhiệt” tăng lãi suất. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Minh (NTM): Đúng là phiên chiều 1/2 đã đặt ra khá nhiều câu hỏi, nhưng thị trường chứng khoán luôn có diễn biến bất ngờ và đi trước diễn biến của nền kinh tế nên đôi khi nó diễn biến trái ngược với những gì đang diễn ra. Thí dụ như phiên giao dịch ngày 31/1, trong khi thị trường đang giảm thì dòng cổ phiếu ngân hàng lại bất ngờ tăng mạnh.

Theo quan điểm của tôi thì phiên giao dịch đầu tháng, có thể thị trường đang trong pha điều chỉnh, nhiều cổ phiếu đã đạt mức sinh lời hơn 10% trong nhịp hồi hơn 200 điểm vừa rồi nên được nhà đầu tư tranh thủ bán ra để chốt lời.

PV: Ông có nhận định ra sao về diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện nay và xu thế trong những tháng tới?

Ông NTM: Tôi cho rằng, sau khi chạm đáy 873 điểm hôm 16/11, hiện nay thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn, nhưng nó không tăng liên tục mà phải có những nhịp điều chỉnh đan xen để nhà đầu tư cơ cấu và dịch chuyển dòng tiền.

Chúng ta vừa trải qua năm 2022 với diễn biến rất xấu của thị trường chứng khoán. Nhìn lại thì thấy rằng trong năm 2022, yếu tố tác động tiêu cực nhất đến chứng khoán Việt Nam là việc FED nhiều lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát khiến lãi suất trong nước tăng mạnh, tiền bị rút ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro, trong đó có cổ phiếu. Tiếp đó là xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, Trung Quốc đóng cửa để phòng, chống dịch…

Cho đến giờ, giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi: lạm phát hạ nhiệt, nhiều khả năng FED sẽ giảm bớt việc thắt chặt tiền tệ, lãi suất trong nước đã giảm nhẹ, Trung Quốc mở cửa trở lại…; do đó thị trường có sự hồi phục là tất yếu.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đã qua đi nhưng chưa hết hẳn, do đó sự hồi phục này theo tôi sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới. Còn trong dài hạn, tôi cho rằng rủi ro vẫn còn.

PV: Vậy có “điểm tựa” nào cho nhà đầu tư trong năm 2023 hay không, thưa ông?

Ông NTM: Trong nửa đầu năm 2023, thị trường có thể vẫn “lình xình” nhưng sự hồi phục sẽ rõ nét hơn vào nửa cuối năm. Nguyên nhân vì chúng ta đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, điều đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu giảm sâu trong năm qua. Sang năm 2023 thị trường có nhiều lực đỡ. Nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt như hiện nay, giới đầu tư kỳ vọng đến cuối quý II/2023 FED sẽ ngừng tăng lãi suất, thậm chí có thể quay đầu giảm lãi suất, chấm dứt giai đoạn thắt chặt tiền tệ.

Ngoài ra, năm 2023 sẽ là năm “bùng nổ” của đầu tư công, với tổng vốn kế hoạch cả năm khoảng 730.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư công sẽ làm tốt vai trò vốn mồi để kích hoạt nền kinh tế và thị trường chứng khoán phát triển. Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã rất rốt ráo chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ là một động lực lớn cho nền kinh tế và thị trường do đầu tư, thương mại, chuỗi cung ứng được nối lại…

Hiện nay dòng tiền cá nhân còn “chần chừ” nhưng dòng vốn nước ngoài đã đổ vào mua ròng khá nhiều. Thời gian tới, khi dòng tiền lớn nhập cuộc nhiều hơn, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ đi theo.

PV: Ông khuyến nghị chiến lược đầu tư nào là phù hợp trong năm nay và nhóm cổ phiếu nào nhà đầu tư nên ưu tiên?

Ông NTM: Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư vẫn nên kiên trì chiến lược phòng thủ là chính, ưu tiên giữ an toàn danh mục hơn là chấp nhận rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận. Nên giữ tỷ trọng tiền mặt hợp lý trong tài khoản để chờ cơ hội mới giải ngân.

Về nhóm ngành thì từ năm ngoái đến năm nay tôi vẫn kiên trì nhóm cổ phiếu phòng thủ, là những nhóm ngành ít chịu tác động bởi lãi suất tăng hay các biến động chu kỳ, thí dụ các ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhóm năng lượng nói chung như điện, nước, dầu khí,...

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như: Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công (xây dựng, xây lắp, sắt thép…); nhóm sẽ hồi phục lại sau đại dịch (du lịch, hàng không…).

Trong khi đó, nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản… thì theo tôi có sự phân hóa. Ngân hàng vừa qua đã hồi phục 15-20% nên một số ngân hàng không còn nhiều dư địa tăng. Thép và bất động sản tuy được hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công được đẩy mạnh song xu thế đầu tư chỉ nên tận dụng trong ngắn hạn, bởi doanh nghiệp nhóm này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đặc biệt với bất động sản, cần có chính sách hỗ trợ tích cực hơn để hồi phục nhóm ngành này.

PV: Xin cảm ơn ông!