Đau đáu giữ nghề truyền thống

Xuất phát từ tâm thức muốn giữ gìn nghề truyền thống đan đát của quê hương xứ sở, nhiều gia đình ở vùng nông thôn U Minh vẫn còn đan rổ, thúng, nia, xịa, xề, rá...
0:00 / 0:00
0:00
Chị Phạm Thu Chung và công việc đan đát thường ngày.
Chị Phạm Thu Chung và công việc đan đát thường ngày.

Nhiều đời giữ nghề đan đát

Huyện U Minh nằm ở phía tây bắc của tỉnh Cà Mau, là quê hương của thương hiệu “thúng rổ Cái Tàu” trứ danh - những sản phẩm làm từ trúc, tre không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhất là gian bếp.

Mỗi ngày, trung bình một người có thể làm hoàn thành từ 3-5 cái thúng, 10-15 cái xề, xịa, 15-20 cái rổ. Nong, nia thì vất vả hơn, nhất là loại nong, nia cỡ lớn, phải mất từ 1-2 ngày mới hoàn thành một cái. Đi vào các con rạch trổ ra từ hai bên bờ sông Cái Tàu như rạch Chuôi, rạch Tắc, rạch Chệt, rạch Sộp, rạch Giồng Ông, rạch Tền..., dù sáng sớm hay chiều tối thì những xóm nhỏ nơi đây vẫn vang lên âm thanh của nghề đan đát, tiếng nói cười của những người dân cho vơi bớt nỗi vất vả của cuộc mưu sinh. Trước đây, mỗi gia đình có từ 2-3 thế hệ làm nghề đan đát, có những đứa trẻ 7, 8 tuổi đã biết cầm dao cạo trúc, biết đát rổ. Trung bình mỗi tháng một hộ gia đình sản xuất từ 150-200 cái rổ, 30-50 cái thúng.

Mặc dù công việc đan đát rất vất vả, thế nhưng giá thành của những sản phẩm trúc, tre lại không cao. Trải qua hơn 10 công đoạn, song mỗi cái rổ chỉ bán được với giá từ 9.000-12 nghìn đồng, mỗi cái thúng có giá từ 25-30 nghìn đồng (nếu là loại rổ “đặt”, thúng “đặt” - “đặt” được hiểu là sản phẩm mua để tặng, để trưng bày chứ không phải dùng trong sinh hoạt - thì giá cao hơn khoảng 10 nghìn đồng/cái, tuy nhiên độ tỉ mỉ cao). Thu nhập từ nghề đan thúng, rổ còn thấp. Để cả gia đình sống được bằng nghề này thật sự là một điều thách thức. Chị Võ Hồng Phỉ (ngụ tại rạch Chệt, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) cho biết: “Tôi biết đan đát từ khi chưa đi lấy chồng. Trước đây chồng tôi làm nghề gác kèo ong, cắm câu trong rừng, thu nhập kha khá. Sau chồng tôi không đi rừng nữa, hai vợ chồng đan đát, chủ yếu là rổ. Từ khi dịch bùng đến giờ, thương lái không thường xuyên đến mua. Sản phẩm hoàn thành, tôi chở rổ bằng xe máy đi chợ hay đi vào những xóm sâu trong rừng để bán...”.

Mỗi nghề nghiệp đều có những vất vả riêng. Nghề đan đát đòi hỏi người thợ phải chịu khó, khéo léo, tỉ mỉ. Bên cạnh đó, nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong tiến trình đô thị hóa, nhiều nhà vườn nhận thấy trúc tre không có giá trị cao nên phá vườn để làm vuông tôm hoặc trồng những loại cây ăn quả khác, dẫn đến thiếu vật liệu đan đát. Hơn nữa, không phải lúc nào cũng có thương lái đến mua sản phẩm đan đát.

Những đôi tay níu giữ hồn quê

Một điều dễ thấy là không phải ai cũng sống được với nghề đan đát, nhiều người vì không trụ được với nghề này, cũng không tìm được công việc khác ở quê hương nên quyết định ly gia, ly hương, tìm đến các xí nghiệp, công ty ở các thành phố lớn. Đời sống, xã hội ở nông thôn thay đổi, nhiều gia đình khai hoang đất vườn làm vuông tôm, nuôi tôm theo hình thức truyền thống hoặc công nghiệp (có sự hỗ trợ của máy móc thiết bị) nên không còn tha thiết với nghề đan lát nữa. Tuy thế, âm vang của nghề đan đát vẫn chưa bao giờ vơi trong những xóm nhỏ bên dòng sông Cái Tàu. Những xe chở rổ, thúng... vẫn thường xuyên lui tới để đếm hàng rồi chở đi bán ở những địa phương khác. Điều khiến cho nhiều người ở U Minh vẫn còn giữ lấy nghề truyền thống, chắc chắn là tình yêu và khát khao “níu giữ hồn quê”.

Cái đáng buồn nhất có lẽ là đánh mất nghề truyền thống, để nó bị mai một theo thời gian. Ở U Minh, dẫu cuộc sống của nhiều gia đình theo nghề đan đát vẫn còn nhiều vất vả, gian truân, thiếu thốn nhưng họ vẫn bám trụ với nghề. Nhiều người dạy con cái nghề đan đát là nền tảng, bằng cách này hay cách khác cũng cần phải giới thiệu, lan tỏa đến những vùng miền khác bởi đó là “thương hiệu”, là niềm tự hào của người dân ở vùng sông nước Cái Tàu.

Những năm gần đây, sản phẩm đan đát không còn quanh quẩn trong gian bếp hay trong các gia đình nhỏ với vai trò là đồ gia dụng nữa. Nó đã đi vào các hội chợ triển lãm, các gian hàng trưng bày trong những cuộc hội hè về văn hóa vùng miền như một sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Cái thúng, cái rổ nói riêng và những sản phẩm đan đát bằng nan nói chung có mặt trong Hội bánh dân gian Nam Bộ tổ chức vào tháng 4 hằng năm ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Cà Mau. Riêng ở huyện U Minh, trong những dịp hội chợ, ban tổ chức đều ưu ái xây dựng một gian hàng nhỏ bày bán đồ nan, đó cũng là dịp để giới thiệu nghề truyền thống của xứ này đến bạn bè khắp nơi, trong nước và quốc tế.

Có những thời điểm như mùa mưa bão, sản phẩm chất chồng nhưng không có thương lái đến lấy, nhiều gia đình lại lâm vào tình cảnh khó khăn.