Lê Khánh Linh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội)
Thời gian gần đây, nhiều địa phương giãn cách xã hội người dân nói chung ở nhà nhiều hơn, thời gian tham gia các trang mạng xã hội tăng cao. Lợi dụng tình hình này, nhiều đối tượng đã tung ra đủ “chiêu” lừa đảo tinh vi hòng trục lợi bất chính. Trước những mánh khóe tưởng chừng rất dễ phát hiện, không ít người vẫn sập bẫy.
Phải nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự, em gái tôi đã chuyển sang kinh doanh online để có thêm thu nhập. Trong quá trình em tôi tìm hiểu cách lập trang mạng xã hội để bán hàng, có một người đã tiếp cận và rao bán nhiều loại trang mạng xã hội có sẵn lượng tương tác lớn. Sau khi lật đật “thăm” một số trang và thấy lượng tương tác là “thật”, không có dấu hiệu can thiệp bằng thủ thuật công nghệ đúng như lời quảng cáo, em tôi đã bỏ tiền triệu để mua một trong những trang mạng đó. Không nằm ngoài dự đoán, gần một tuần sau, em tôi vẫn chưa nhận được “món hàng” dù đã được cam kết “giao ngay sau khi chuyển khoản ngân hàng”. Kẻ gian cũng nhanh chóng chặn mọi liên lạc.
Thất vọng vì chưa bán được hàng đã lỗ vốn, em gái tôi đã đi tìm sự trợ giúp của “cư dân mạng” và được một “người tốt bụng” nhận bảo mật mọi tài khoản mạng xã hội, đồng thời hứa sẽ tìm được danh tính thật của kẻ vừa lừa tiền. Trước lời cam kết không thể vô lý hơn, em tôi vẫn tiếp tục tin tưởng và thậm chí còn cung cấp nhiều thông tin cá nhân và cả ảnh chụp căn cước công dân cho “đối tác”. Kẻ gian thứ hai và không loại trừ trường hợp chính là kẻ đầu tiên trong câu chuyện cũng lập tức biến mất. Do thông tin cá nhân đã bị lộ, trang mạng xã hội cá nhân kèm theo mọi dữ liệu về việc buôn bán của em tôi tất nhiên cũng “không cánh mà bay”.