Đây cũng là vấn đề được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo Hợp tác đào tạo ngành Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam - Australia, tổ chức ngày 16-5 tại Hà Nội. Trong những năm gần đây, vai trò của công nghệ thông tin (CNTT) trong phát triển kinh tế tương đối đậm nét. Bản thân CNTT là ngành sản xuất tạo ra giá trị cao, ước tính đóng góp 15% GDP của cả nước. CNTT còn đóng vai trò xây dựng hạ tầng cho các ngành khác phát triển.
Theo ông Nguyễn Vĩnh An, Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Thông tin & Truyền thông, năm 2016, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt thứ hạng 18 và 19 trong những địa chỉ gia công phần mềm lớn trên thế giới. Về cơ sở hạ tầng, mạng internet, phủ sóng 3G, 4G chiếm 95% diện tích, thuê bao sử dụng internet chiếm 53% dân số.
Đây được xem là những con số tích cực báo hiệu một thị trường ICT sôi động. Thế nhưng, chúng ta lại đang thiếu nghiêm trọng nhân lực làm việc trong lĩnh vực này. Ông An cho biết, ngành ICT Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng như chất lượng băng thông tốt, số lượng thuê bao cao, song mức độ sẵn sàng và ứng dụng CNTT ở các trường cao đẳng, đại học, các cơ sở giáo dục nói chung lại rất thấp.
Việt Nam đang đối mặt sự thiếu hụt nhân lực CNTT, số lượng sinh viên ra trường không đủ cung ứng cho thị trường. Dù có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, trẻ và giá thành rẻ nhưng chất lượng nhân lực ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thống kê cho thấy, Việt Nam có 250 trường đại học và cao đẳng với khoảng 68 nghìn sinh viên. Ước tính, nếu nhu cầu nhân lực CNTT tăng 8% mỗi năm thì đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 500.000 lao động, tương đương 78% nhu cầu lao động. Như vậy có thể thấy, dù được đánh giá là đang nằm trong giai đoạn dân số vàng, song nếu không tận dụng thời điểm, Việt Nam có thể bỏ lỡ giai đoạn phát triển này.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ, nhân lực đối với cộng đồng ICT Việt Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông, internet... còn được xem là “nguồn vốn”. Thế nhưng, các doanh nghiệp ICT vừa và nhỏ ở Việt Nam đều rất khó khăn khi đi tìm nguồn vốn con người. Ông Bình cho rằng, hệ thống đào tạo cung cấp nhân lực ở Việt Nam còn thiên về kiến thức, lao động thiếu sáng tạo và thiếu cả kỹ năng mềm.
Đồng tình với quan điểm này, bà Đặng Thị Thanh Vân, Sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty Savvycom cho biết, tỷ lệ phỏng vấn thành công khi tuyển dụng tại doanh nghiệp của bà chỉ đạt chưa đến 20%. Tại nhiều doanh nghiệp CNTT lớn như Intel Việt Nam, tỷ lệ này thậm chí chỉ dừng ở 1% - 2%, trong hàng trăm đơn xin việc chỉ tuyển dụng được một đến vài người.
Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ICT, Tiến sĩ Josian Poon đến từ Trường đại học Sydney cho rằng, các trường đại học cần chú ý đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng ngôn ngữ, các kỹ năng xã hội hoặc các môn khoa học tích hợp ngoài đào tạo ICT. Theo ông Poon, các nhóm kỹ năng và sự sáng tạo phải được thấm nhuần, nhen nhóm và nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ chứ không phải trong một thời gian ngắn.
Các đại biểu cũng thống nhất rằng, việc hợp tác trong giảng dạy, nghiên cứu với doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nước ngoài là con đường cho các trường đại học Việt Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực ICT. Đồng thời, doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với các trường cao đẳng, đại học, chia sẻ và hỗ trợ trong quá trình đào tạo, nghiên cứu với các cơ sở giáo dục.
Bà Yvonne Chan, Phó Tổng lãnh sự phụ trách Thương mại, Tổng lãnh sự quán Australia nhấn mạnh, Australia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo CNTT, trong đó có nhiều ngành công nghệ được quan tâm như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học máy tính, blockchain… Tại hội thảo, đại diện doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo hai nước đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin đào tạo và phát triển nhân lực.